Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, chiều 11-5, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã nêu ý kiến kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cũng như bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên của dòng sông Hồng cho các thế hệ mai sau.
Ảnh hưởng sinh kế hàng triệu người
Đưa ra lý do phản đối, VRN cho rằng hiệu quả điện năng từ siêu dự án sông Hồng mang lại chỉ khoảng 228 MW, tương đương 912 triệu KWh/năm là quá nhỏ, góp chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia. Trong khi đó, dự án làm thủy điện bậc thang nên có nguy cơ ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, dự án này không nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2020 và quy hoạch điện VII, do vậy việc triển khai dự án sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng ĐBSH.
Lý do thứ hai, theo VRN, dự án ảnh hưởng tới sinh kế của người dân bởi việc làm các đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông Hồng phục vụ giao thông thủy sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và đặc biệt gây ra các hệ lụy ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho 8 tỉnh thuộc ĐBSH. Khi đó, việc thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng tới nguồn sinh kế cũng như văn hóa của hàng triệu người.
Dự án còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học vùng sông Hồng, nhất là việc phá hủy những bãi cá đẻ, chặn đường di cư của cá và các loài thủy sinh khác vào mùa sinh sản. Ngoài ra, đáy sông Hồng hiện đã được cảnh báo tụt xuống 1 m nên nếu thực hiện dự án này, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến đáy sông, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, đa dạng sinh học vùng sông Hồng sẽ dần biến mất.
Ủng hộ dừng dự án
Ngay sau khi VRN có kiến nghị nêu trên, nhiều chuyên gia trong ngành môi trường nước đều bày tỏ ý kiến đồng tình với việc loại bỏ dự án. Chuyên gia của VRN, TS Đào Trọng Tứ, khẳng định: “Cả về mặt pháp lý hay về mặt môi trường thì dự án này đều không đạt. Tôi không hiểu sao các bộ lại tán đồng một dự án không hề có trong quy hoạch rồi đẩy lên Thủ tướng. Một dòng sông như thế mà cắt ra thành nhiều thủy điện nhỏ, tác động đến dòng chảy, phá hủy tài nguyên, cảnh quan tự nhiên. Phải dừng ngay dự án, không cần bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém thêm”.
Cũng theo ông Tứ, hiện nay có tình trạng quy hoạch đã đề ra rất rõ ràng nhưng nhiều dự án không có trong quy hoạch cũng được ký, phê duyệt rồi đề xuất bổ sung quy hoạch rất dễ dàng. Điều này là không ổn. “Chưa kể đến việc có những dự án nằm trong quy hoạch hẳn hoi, ví dụ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nhưng khi giới nghiên cứu chỉ ra quá nhiều điểm tai hại nếu phê duyệt thì dự án vẫn bị loại bỏ. Đằng này, dự án giao thông thủy xuyên Á không nằm trong quy hoạch thì không hề có căn cứ nào để biện minh cả” - ông Tứ nêu quan điểm.
GS-TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, đồng tình với đánh giá của các chuyên gia VRN. Theo ông Giang, việc khai thác vận tải thủy trên đoạn sông qua Lâm Thao - Việt Trì - Lào Cai là không có hiệu quả bởi lưu lượng vận chuyển hàng hóa tại đây rất ít. Như thế, dự án chủ yếu làm lợi cho các đối tượng khác muốn lợi dụng dòng chảy để giao thương.
“Các bộ cho ý kiến và gửi Chính phủ rất nhanh. Dựa trên cơ sở phản biện, đánh giá đầy đủ, Chính phủ cần tuyên bố dừng hẳn dự án này” - ông Giang kiến nghị.
Trung Quốc hưởng lợi từ dự án
Đáng lưu ý, VRN thẳng thắn chỉ ra đối tượng hưởng lợi chính của dự án là phía Trung Quốc. “Có thể thấy rằng việc phát triển dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương ở các địa phương trong nước tại vùng ĐBSH và quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, dự án sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng hóa tới các nước trong tiểu vùng Mê Kông, các quốc gia châu Phi thông qua biển Đông, vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương; đồng thời chở nguyên liệu thô từ châu Phi về Trung Quốc qua con đường này thay vì phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Hiện Trung Quốc đang đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam - Trung Quốc chạy qua một số tỉnh thuộc Lào và kết nối cảng Sihanoukville tại Campuchia để phục vụ mục đích trên. Dự án được triển khai sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ châu Phi về qua đường biển Đông tới các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Nam của Trung Quốc với thời gian ngắn nhất và chi phí rẻ nhất so với tuyến đường sắt xuyên biên giới kia. Như vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này” - VRN nêu rõ.
Làm 6 thủy điện trên sông Hồng
Dự kiến quy mô dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng gồm tuyến đường thủy Lào Cai - Hải Phòng phục vụ tàu có công suất 400-600 tấn; 6 đập dâng nước và âu tàu kết hợp 6 công trình thủy điện có công suất lắp máy khoảng 228 MW; 7 cảng thủy dọc tuyến. Dự án sẽ nạo vét một đoạn sông dài 288 km từ Việt Trì lên Lào Cai. Đây là một dự án theo hình thức xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) với tổng chi phí ước tính khoảng 24.500 tỉ đồng do Công ty TNHH Xuân Thiện, Tập đoàn Xuân Thành đề xuất.
Bình luận (0)