xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên có nghĩa vụ thay thế nhập ngũ

THẾ KHA

Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi chỉ có 6% thanh niên từ 18-25 tuổi phải nhập ngũ thì trách nhiệm trong việc bảo vệ Tổ quốc sẽ khó công bằng

Sáng 21-11,  Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Đại biểu (ĐB) Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, cho rằng dự thảo chỉ có 3 nội dung mới là thu hẹp đối tượng hoãn nhập ngũ, nâng thời hạn phục vụ tại ngũ và nâng độ tuổi gọi nhập ngũ, trong khi những nội dung còn lại có sửa đổi nhưng không làm thay đổi được những bất cập hiện tại, chưa bảo đảm công bằng xã hội trong nghĩa vụ quân sự.

Xử lý vi phạm chưa nghiêm

Kết quả giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh được ĐB Lê Việt Trường dẫn ra cho thấy hằng năm, trong 6-7 triệu công dân thuộc độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ nhưng nhà nước chỉ gọi khoảng 6%. “Trong thành phần tại ngũ có tới 79,4% là con em nông dân, chỉ 2,24% con em cán bộ. Bên cạnh đó, chất lượng thành phần nhập ngũ cũng chưa tương xứng khi chỉ có 0,64% trình độ CĐ-ĐH, 39% THCS, thậm chí phải tuyển cả người có trình độ tiểu học” - ông Trường nói. Theo ĐB này, việc xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ quân sự chưa nghiêm. Kết quả giám sát cho thấy từ năm 2005-2011, có 49.572 trường hợp trốn khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng tất cả chỉ bị xử lý hành chính; 4.612 người trốn, chống lệnh gọi nhập ngũ nhưng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự vào năm 2011, trước đó thì không có trường hợp nào.

 

Thanh niên TP HCM lên đường nhập ngũ năm 2014Ảnh: Phan Anh
Thanh niên TP HCM lên đường nhập ngũ năm 2014Ảnh: Phan Anh

 

“Bất cập chủ yếu hiện nay là do tổ chức thực hiện, có địa phương vì lý do nào đó mà đến 40% thanh niên trong độ tuổi được hoãn nhập ngũ” - ĐB Trường cho biết. Ông đề xuất phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những thanh niên tại ngũ, xuất ngũ như gắn đào tạo nghề nghiệp với giới thiệu việc làm, cộng điểm cho thanh niên xuất ngũ thi CĐ-ĐH, thi công chức - viên chức.

Cần có thêm nghĩa vụ dân sự

Nhiều ĐBQH công tác trong các cơ quan quốc phòng ủng hộ việc chỉ có thời hạn tại ngũ thống nhất là 24 tháng và không nên quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự bởi đây là nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cho rằng cần có quy định bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. “Đề nghị quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự” - ông Tuyết đề xuất.

Theo ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế), nếu chỉ quy định nhập ngũ là 24 tháng thay vì 18 và 24 tháng như hiện nay, sự không công bằng sẽ tăng cao hơn. “Người thực hiện nghĩa vụ quân sự phải tăng thời gian tại ngũ, còn phần đông vẫn không phải có nghĩa vụ gì. Vì thế, phải nghiên cứu nghĩa vụ thay thế để gắn trách nhiệm của 94%-95% không tham gia nghĩa vụ quân sự” - ông Thông nói. Ủng hộ quan điểm này, ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đề nghị nên cần nghiên cứu nghĩa vụ dân sự thay thế, ví dụ như lao động công ích.

Nhiều ĐB đề nghị giảm thời gian tại ngũ còn 12 hoặc 18 tháng để thu hút được nhiều thanh niên nhập ngũ như nhiều nước đang làm. Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết, trong thời bình, nhu cầu quân thường trực không quá cao, trong khi cần tập trung nguồn lực cho phát triển, vì thế nên tạo điều kiện cho công dân làm kinh tế.

Gây rối có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi). Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, hành khách, thành viên tổ bay, người phục vụ chuyến bay có liên quan, hành lý, hàng hóa và các vật phẩm khác phải được kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước khi lên tàu bay. Trường hợp có dấu hiệu hoặc có thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, an toàn của chuyến bay thì phải được kiểm soát an ninh hàng không. Luật mới quy định cấm vận chuyển vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với hành khách gây rối, người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong đó, hành khách gây rối là người có hành vi tung tin, cung cấp thông tin sai uy hiếp an toàn hàng không hoặc cố ý không chấp hành quy định về an ninh, an toàn hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay…

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, luật lần này quy định nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do DN quyết định nhưng phải niêm yết. Vai trò quản lý của nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của DN để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và DN. 

 

Cần quy định rõ trách nhiệm của bộ máy công vụ

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng mục tiêu là phải xây dựng Chính phủ gọn nhẹ, năng động. “Cần quy định trong luật về số bộ và cơ quan ngang bộ để tránh co giãn sau này” - bà An đề xuất. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị số lượng bộ và cơ quan ngang bộ phải trình QH quyết định. Theo ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), cần quy định rõ cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ trong luật.

Quyền hạn của Thủ tướng cũng là vấn đề nhiều ĐB quan tâm. ĐB Bùi Thị An đề nghị cần ghi rõ quyền hạn và trách nhiệm để Thủ tướng tăng trách nhiệm trước QH, nhân dân, nhất là trong trường hợp phải xử lý các sự cố quan trọng. ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng tồn tại lớn nhất của nền hành chính là không rõ ràng về trách nhiệm của bộ máy công vụ. Đâu là trách nhiệm của Chính phủ, đâu là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ, vấn đề hàng gian, hàng giả, trách nhiệm của ai vẫn chưa rõ.

N.Quyết

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo