Theo thông tin ban đầu về vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam - Bắc Giang), cháu Trịnh Thị Bích đã tìm cách gọi điện thoại đến số 113 (số trực khẩn cấp của lực lượng công an) nhưng không thể kết nối vì một lỗi kỹ thuật hoặc thao tác sai.
Trong một số trường hợp, việc liên hệ, báo tin, nhờ can thiệp từ các cơ quan chức năng qua các số khẩn cấp là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, từ vụ việc đáng tiếc nói trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh và kết quả cho thấy có một tỉ lệ lớn người dân không nắm chắc về cách gọi số 113 từ đầu số di động hoặc không biết ý nghĩa của các số điện thoại khẩn cấp là 113 (công an), 114 (cứu hỏa), 115 (cứu thương).
Trước tình trạng mơ hồ về các số điện thoại khẩn cấp của người dân, ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, cho rằng tới đây có thể xem xét việc quy định bắt buộc các đài phát thanh, truyền hình địa phương, báo địa phương phải dành thời lượng, diện tích nhất định để đưa tin về các số điện thoại khẩn cấp cũng như hướng dẫn cách thực hiện.
Theo ông Lai, mặc dù các doanh nghiệp viễn thông như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã có cuốn danh bạ điện thoại phát miễn phí cho chủ thuê bao cố định vào mỗi năm, trong đó có các số gọi khẩn cấp nhưng hiệu quả tuyên truyền chưa cao nên cần có thêm nhiều cách thông tin để người dân nắm rõ hơn.
“Luật Viễn thông quy định rõ số điện thoại khẩn cấp là miễn phí và phải luôn thông suốt, được kiểm tra thường xuyên. Có điều mạng lưới thông suốt nhưng có người trực hay không lại là chuyện khác” – ông Lai nói.
Ông Lai cũng cho biết sẽ xem xét nghiên cứu ý tưởng lập một số điện thoại khẩn cấp quốc gia và duy nhất cho mọi trường hợp (công an, cứu hỏa, cứu thương…) như số 112 ở châu Âu hay 911 ở Mỹ.
Với số duy nhất, kết hợp với việc phổ biến sâu rộng sẽ hiệu quả và thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Lai, để làm được việc này cũng rất phức tạp vì phải bổ sung bộ máy nhân sự, tốn thêm kinh phí và việc kết nối với các lực lượng chức năng để xử lý từng vụ việc cụ thể cần có điều chỉnh tổng thể để đạt được hiệu quả.
Đồng tình với ý tưởng này, theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng Phòng Kinh doanh Vinaphone, về mặt kỹ thuật, việc có một số điện thoại khẩn cấp quốc gia là rất dễ dàng, vấn đề là bộ máy trực ở mỗi tỉnh, huyện để tiến hành phân loại cần có sự nghiên cứu kỹ.
Máy bị khóa vẫn liên hệ được
Theo hướng dẫn của Phòng Kinh doanh Vinaphone, ngoài lỗi kỹ thuật (thay đổi số cốt mã hóa tự động bằng số điện thoại khác nhưng không khai báo cho nhà mạng) dẫn đến không liên hệ được thì trong tình trạng bình thường, người dân vẫn có thể liên hệ được với các số khẩn cấp nếu sử dụng đúng cách.
Cụ thể khi gọi cho cảnh sát 113 hoặc bất kỳ các số khẩn cấp khác, không cần phải thêm mã vùng mà chỉ cần bấm thẳng. Tổng đài sẽ nhận dạng cuộc gọi, trạm dịch vụ xác định thuê bao đang nằm ở khu vực để tự động kết nối với đơn vị tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp ở khu vực đó để lực lượng trực trên địa bàn ứng cứu.
Ngoài ra, đối với các số di động còn hạn sử dụng (chưa bị khóa 2 chiều) vẫn có thể gọi tới các số khẩn cấp mà không cần phải có tiền trong tài khoản hoặc đã đóng cước |
Bình luận (0)