* Phóng viên: Thưa ông, vì lý do gì mà trên diễn đàn Quốc hội (QH) ông đã đề nghị công khai danh tính của các vị đại biểu (ĐB) QH khi bỏ phiếu về các vấn đề quan trọng?
- ĐB Dương Trung Quốc: Đây là vấn đề mà tôi đã kiến nghị nhiều lần. Trong thư gửi Chủ tịch QH ngày 15-10 về vấn đề bauxite Tây Nguyên, tôi lại một lần nữa đặt vấn đề này ra. Sau đó, trong thư trả lời của Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, thừa ủy quyền của Chủ tịch QH, có cho rằng việc công khai danh tính của ĐBQH là tùy theo tập quán của mỗi quốc gia, không nhất thiết ở nước nào cũng cần công khai. Công khai danh tính có thể tạo nên sức ép dư luận xã hội đối với ĐBQH và ĐB không thể chủ động trong vấn đề thể hiện quan điểm của mình.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng với những quyết định quan trọng, đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm với nhân dân và lịch sử. Ảnh: THẾ DŨNG
* Ông có cho rằng lý do như vậy là xác đáng?
- Bản chất của việc biểu quyết là công khai. Việc không công khai danh tính ĐBQH tôi thấy chưa xác đáng vì nó làm mất đi quyền được giám sát hoạt động QH và ĐBQH của người dân. Về mặt công nghệ, việc công khai cũng không khó khăn gì vì chỉ với một cái nhấp chuột là toàn bộ số liệu đó sẽ đến với ĐBQH và có thể là phương tiện thông tin đại chúng.
* Việc không công khai danh tính có ảnh hưởng gì không?
- Một Nhà nước luôn nói đến mục tiêu “của dân, do dân và vì dân” thì không có lý do gì lại không công khai danh tính ĐBQH khi bỏ phiếu. Chính vì chưa công khai nên dẫn tới các hiện tượng đáng trách như quên bấm nút hay bấm nút hộ. Tôi đã nhận được văn bản của Văn phòng QH cho biết đã yêu cầu cơ quan chuyên môn điều chỉnh về kỹ thuật để không thể có việc bấm nút hộ được nữa. Đó chỉ là vấn đề kỹ thuật, quan trọng là ĐBQH cần công khai bày tỏ chính kiến trước QH, cử tri và công luận.
* Thưa ông, có thực tế là nếu theo dõi các ý kiến phát biểu trên diễn đàn QH và tỉ lệ bỏ phiếu về cùng một vấn đề thì cử tri thấy ngạc nhiên bởi sự chênh lệch khá lớn giữa kết quả biểu quyết với xu hướng phát biểu?
- Đúng là có thực tế như vậy. Sang Mỹ, tôi thấy mỗi khi nghị sĩ của họ lên bỏ phiếu là lập tức trên truyền hình công khai quyết định của vị dân biểu đó. Hay như Hạ viện Anh vẫn duy trì truyền thống hàng trăm năm nay là chia hai cửa “thuận” và “chống” riêng biệt để nghị sĩ đi vào và ký văn bản. Văn bản này được lưu trữ công khai bên hành lang hạ viện để bất kỳ ai cũng có thể tham khảo.
* Nếu công khai danh tính sẽ giúp thực hiện điều thường nói là “ĐBQH đại diện cho nguyện vọng của cử tri”?
- Đương nhiên vì cử tri sẽ giám sát hiệu quả hơn ĐBQH, nhất là trong những quyết định quan trọng của đất nước. Điều đó cũng rất đúng với tinh thần dân giám sát, giám sát một cách cụ thể.
* Và điều đó sẽ quyết định xem cử tri có tiếp tục bỏ phiếu hay không khi ĐB của họ tái tranh cử?
- Cử tri quyết định tiếp tục bỏ phiếu hay không chính là ở chỗ đó. Họ không chỉ nhìn vào lời nói mà quan trọng hơn là nhìn vào hành động mà hành động quan trọng nhất của ĐBQH là thể hiện sự lựa chọn, quyết định của mình trong công tác lập pháp, giám sát cũng như các quyết sách quan trọng của QH làm sao đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.
* Khi tiếp xúc cử tri, ông có thấy cử tri hỏi xem về vấn đề nào đó, ĐBQH đã bỏ phiếu như thế nào?
- Không chỉ cử tri mà rất nhiều người hỏi về vấn đề này. Tôi nghĩ càng công khai càng tốt cho dù các nước có sự lựa chọn khác nhau nhưng phải nhìn vào bản chất chế độ ta là “của nhân dân và vì nhân dân” nên không có chuyện đi ngược lại nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Vài ba nhiệm kỳ trước, mỗi khi ĐB giơ biển lên biểu quyết thì ai cũng nhìn thấy đồng ý hay không đồng ý. Nay áp dụng công nghệ mới, cử tri không thấy được quyết định của ĐB.
* Việc công khai sẽ gia tăng trách nhiệm của ĐB?
- Đương nhiên vì họ sẽ phải chịu sự giám sát của người dân. Hiện chúng ta mới quan tâm tới trách nhiệm của ĐB trong nhiệm kỳ mà quên rằng có những quyết định quan trọng thì ĐB còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân và lịch sử. Khi quyết định về mực nước thủy điện Sơn La, tôi đã đề nghị ĐB ký tên vào văn bản để sau này lịch sử phán xét, nếu mang lại lợi ích cho nước và dân thì anh sẽ được tôn vinh.
* Nếu công khai hóa sẽ tác động thế nào tới sinh hoạt nghị trường cũng như quyết định các vấn đề quan trọng tại QH?
- Tôi nghĩ điều quan trọng là mỗi ĐB phải thể hiện được trách nhiệm của mình và sự giám sát của dân là quan trọng nhất. Giám sát của dân và dư luận xã hội không phải tạo sức ép mà buộc ĐB phải làm đúng chức trách của mình.
Quốc hội xem xét thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011
Theo tin từ Văn phòng QH, bước sang tuần làm việc thứ tư của kỳ họp thứ 8, QH sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011. Liên quan tới công tác lập pháp, trong tuần, QH sẽ thảo luận về các dự án Luật Đo lường; Luật Tố cáo; Luật Lưu trữ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Kiểm toán độc lập; Luật Phòng, chống mua bán người... Ngoài ra, QH cũng nghe và thảo luận về báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Ngày 8-11, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND; dự thảo nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp.
T.Dũng |
Bình luận (0)