Thực tế cao hơn thống kê
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết kết quả thống kê cho thấy số người bán dâm có hồ sơ quản lý hiện là 11.240. Theo đó, đối tượng bán dâm tập trung nhiều ở đồng bằng sông Hồng với 3.673 người, Đông Nam Bộ 3.200 người, ĐBSCL 1.374 người, Đông Bắc Bộ 913 người, Bắc Trung Bộ 887 người và các khu vực khác là 1.189 người. “Con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát” - bà Chuyền nhận định.
Cũng theo báo cáo, cả nước hiện có 161.133 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, quán bar, vũ trường…, tăng 88.133 cơ sở so với giai đoạn 2006-2010.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng quan điểm, nhận thức về công tác phòng chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất, dẫn đến chỉ đạo chưa quyết liệt. Thiếu chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm như bảo kê, khiêu dâm, kích dục, người chuyển giới, đồng giới bán dâm. “Với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm thì chưa quy định rõ cơ chế thông báo cho người đứng đầu cơ quan để xử lý kỷ luật” - bà Chuyền nhận định.
Nhiều đại biểu QH đồng tình
Trước đó, ngày 23-10, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, kiến nghị cần thí điểm quy hoạch khu vực dịch vụ “nhạy cảm” ở một số tỉnh, thành.
Bên lề kỳ họp thứ 10, bên cạnh ý kiến không đồng tình, nhiều đại biểu QH bày tỏ sự ủng hộ việc thí điểm lập khu dịch vụ “nhạy cảm”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cho rằng những hoạt động “nhạy cảm” nên đưa vào khu vực riêng để quản lý tốt hơn. Thậm chí, đối với một số người hành nghề mắc bệnh tật thì việc quản lý, chữa bệnh sẽ tốt hơn. “Luật của nhiều nước không thừa nhận mại dâm nhưng các nước đều thấy càng cấm càng bùng lên, do thực tế tồn tại trong xã hội nên phải có giải pháp” - ông Tiến nói.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng TP HCM phải nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp vừa giảm thiểu tệ nạn xã hội vừa quản lý được. “Chúng tôi đang cân nhắc, chưa thể nói ủng hộ hay không ủng hộ” - ông nhấn mạnh.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng nếu thực tế diễn ra trong thời gian dài nhưng cấm không được thì chúng ta phải tính lại.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền nhận định quản lý mại dâm rất khó khăn, càng cấm càng phát triển. “Nếu cấm không được thì chúng ta tổ chức quản lý công khai. Nếu cho thí điểm khu kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, cần lập khu riêng biệt để hạn chế một số đối tượng không được vào” - ông Thuyền gợi ý.
Bình luận (0)