Ngày 8-12, bà Hứa Thị Lợi kể: Sáng 1-12, ngủ dậy, bà đi chân không từ tầng 2 xuống dưới. Khi bàn chân vừa chạm xuống nền nhà tầng 1, bà phát hoảng vì bỏng rát bởi sức nóng ở dưới nền.
Khoảng hơn 1 giờ sau, nhiệt độ nền nhà tiếp tục tăng, có lúc đến 800C. Lúc đó nhiều người đoán có thể dưới nền nhà có bể phốt hay bể khí gas gây nóng. Hỏi chủ thầu xây nhà này (từ 4 năm trước), ông ta khẳng định khu vực nền nhà bà Lợi không hề có bể phốt.
Chiều 1-12, đoàn cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hải Phòng mang thiết bị kỹ thuật đến nhà bà Lợi đo thử. Kết quả, nhiệt độ mặt nền nhà lên tới 800C, chuyên viên sở khẳng định không có phóng xạ hay khí độc bên dưới.
Sang ngày 2-12, nhiệt độ giảm dần, song đến chiều 5-12 thì nóng trở lại. Không giống như lần trước, độ nóng lan tỏa trên diện tích rộng hơn, khoảng 2 m2. Sức nóng tăng cao và kéo dài đã khiến nhiều chỗ ở chân cầu thang bằng gỗ của nhà bà Lợi bị nứt toác... Đến trưa 8-12, nền nhà bà Lợi vẫn còn ấm.
Vết nứt ở chân gỗ cầu thang nhà bà Lợi do nền nhà quá nóng
PGS-TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bảo vệ Môi trường thuộc Liên hiệp Các hội khoa học VN, kiêm Tổng Thư ký Hội Địa chất Thủy văn VN, cho rằng trước đây, đã có hai trường hợp tương tự ở Hà Nội; có thể sàn nhà bà Lợi nóng lên là do hiện tượng bị rò điện, thường là nguồn từ lâu không còn sử dụng nữa, đã bị cắt đi và người nhà không để ý, nay bị chập điện.
Muốn xác định rõ nguyên nhân, cần phải có cơ quan chuyên môn đến xác minh, khảo sát kỹ toàn bộ môi trường xung quanh và dưới nền nhà. Trước hiện tượng lạ này, gia đình bà Lợi đã vội vã sơ tán tài sản và đi ở nhờ nơi khác.
Bình luận (0)