Chiều 17-1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo) của đại diện tiêu biểu người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến góp ý đánh giá cao những sửa đổi trong Dự thảo, tuy nhiên, các kiều bào cũng cho rằng Hiến pháp cần phải được viết ngắn gọn và dễ hiểu đồng thời phải mang tính bền vững, lâu dài hơn.
Đúng ý nguyện của nhân dân
Bà Bích Thiện kiến nghị nên quy định rõ trưng cầu ý dân về Hiến pháp bởi trong bản Dự thảo viết rằng sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, việc có trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. “Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua nếu trưng cầu ý dân thì sẽ thể hiện được rõ ràng hơn rằng bản Hiến pháp này là theo đúng ý nguyện của nhân dân và phục vụ nhân dân” - bà Thiện đề xuất.
Được trân trọng, đối xử công bằng
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada, góp ý Dự thảo có nhiều điểm tích cực nhưng cần được trình bày ngắn gọn hơn. Tại mục 1 điều 19 chưa nói được hết vai trò của bà con Việt kiều ở nước ngoài. Theo ông Bắc, cần thêm cụm từ “Người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định pháp luật là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam”. Làm được điều này, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thấy mình được trân trọng, đối xử công bằng như công dân Việt Nam ở
trong nước.
Về cấu trúc của Hiến pháp, ông Nguyễn Trọng Bình, Việt kiều Mỹ, cho rằng Hiến pháp là những điều luật và khế ước giữa nhân dân và Nhà nước pháp quyền, vì vậy nên ngắn gọn, dễ hiểu và làm sao phải là nền tảng cho hàng trăm năm sau cũng không phải sửa, bởi nó là một khung lớn chứng tỏ tầm nhìn của chúng ta hôm nay về vấn đề luật pháp cho tương lai đất nước. Hiến pháp không phải là một đạo luật bình thường để lâu lâu thấy không hợp lại đổi. “Chúng ta hay sửa Hiến pháp là bởi vì viết quá chi tiết, viết quá nhiều” - ông Bình góp ý.
Vinh dự lớn Ông Trần Bá Phúc, Việt kiều Úc, đề nghị đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có điều kiện về nước để góp ý thì đề nghị các cơ quan triển khai công tác này đến các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để kiều bào được tham gia góp ý. “Góp ý vào Dự thảo Hiến pháp là một việc cực kỳ hệ trọng và thiêng liêng. Vì vậy, phải cân nhắc và huy động trí tuệ cao nhất. Được góp ý vào Dự thảo Hiến pháp là một vinh dự lớn đối với chúng tôi, những người Việt Nam sống xa Tổ quốc” - ông Nguyễn Văn Thái, Việt kiều Ba Lan, chia sẻ. |
Bình luận (0)