Phát biểu tại hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 8-3, PGS-TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Hà Nội), thẳng thắn cho rằng theo kinh nghiệm của ông, thời gian thực hiện đề án có thể sẽ kéo dài đến năm 2024 thay vì kết thúc vào năm 2022 như dự kiến.
Theo phân tích của ông Cương, 10 năm để thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được. Thời gian đó có thể đã qua 2-3 đời bộ trưởng giáo dục khác nhau, đồng nghĩa với việc phải thay tổng chỉ huy đến mấy lần.
“Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi. Ngoài ra, tôi tin chắc trong khoảng thời gian đó sẽ xảy ra một cuộc cách mạng lớn và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới. Bởi vậy, cần đẩy nhanh tiến độ công cuộc đổi mới này. Một mặt cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đó. Xã hội không thể chờ và đợi như thế” - ông Cương khẳng định và tha thiết đề nghị tổ chức trại viết sách giáo khoa (SGK). Ở đó, các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính, tách khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian để tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho công việc.
“Làm việc theo công thức này, tôi tin rằng sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần trước đây. Tôi dự trù sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần đầu, công việc biên soạn SGK tập trung ở trại chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất” - ông Cương phân tích.
Trước quan điểm này, PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng viết SGK không khó nhưng viết thế nào cho hay, cho đẹp, học sinh học nhẹ nhàng, tiếp thu dễ nhất mới khó. Vì thế, nên lập một ban gồm những người làm lý thuyết và phương pháp, giữa giáo sư đầu ngành và các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hằng ngày; SGK cần sát thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ đang hướng đến xây dựng chương trình khung thiết kế chung, sau đó có chương trình chi tiết cho các bộ môn hoặc các hoạt động, được điều chỉnh thường xuyên nhưng không gây xáo trộn mà là sự tiếp nối có tính phát triển. Đáp lại đề xuất rút ngắn thời gian viết sách của ông Cương, ông Hiển cho hay: “Thay đổi SGK theo kiểu “cuốn chiếu” từng cấp học hay cùng một lúc chỉ trong một năm mà thay sách cho cả 12 lớp, cá nhân tôi chưa hình dung ra được phương án này”.
Nên có nhiều bộ sách giáo khoa
PGS-TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng để thực hiện được đề án xây dựng, triển khai chương trình giáo dục và SGK sau năm 2015 thì cần có 2 đề án, gồm: Đổi mới công tác đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên; đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai SGK mới. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu. Về quan điểm một chương trình có thể sử dụng nhiều bộ SGK, GS-TS Hoàng Văn Vân, Chủ nhiệm Khoa Sau ĐH của ĐHQG Hà Nội, cho biết rất tán thành. Đây là quan điểm không mới ở nước ngoài nhưng mới với Việt Nam. GS Vân đề nghị nhà nước chính thức thực tế hóa chủ trương này, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân biết, tránh gây xôn xao dư luận.
Bình luận (0)