xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên sửa ngay điều 60 Luật BHXH

Phan Anh - Nguyễn Quyết

Nhiều đại biểu Quốc hội thừa nhận đã chưa làm hết trách nhiệm khi ấn nút thông qua một điều luật chưa thực hiện mà đã bị cử tri phản ứng như điều 60 Luật BHXH năm 2014

Sáng 22-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 với hàng loạt đề xuất phải sửa ngay điều này để bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ).

Lương hưu 943.000 đồng/tháng, sống được không?

Phát biểu đầu tiên tại tổ TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải tán thành đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đã cho NLĐ linh động chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng để hưởng lương hưu. Theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng chính sách khắc nghiệt với NLĐ như “khai thác” họ tối đa, sau 3 năm có kinh nghiệm thì bắt đầu sa thải dần. Rồi sử dụng lao động phổ thông theo nguyên tắc không ký hợp đồng với NLĐ quá 2 lần. Điều này khiến một bộ phận NLĐ chuyển việc.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trao đổi với công nhân Công ty TNHH Pou Yuen (100% vốn Đài Loan, quận Bình Tân,TP HCM), về chính sách BHXH vào tháng 3-2015Ảnh: VĨNH TÙNG
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trao đổi với công nhân Công ty TNHH Pou Yuen (100% vốn Đài Loan, quận Bình Tân,TP HCM), về chính sách BHXH vào tháng 3-2015Ảnh: VĨNH TÙNG

Dẫn báo cáo Chính phủ về việc trong số 80% người hưởng BHXH có đến 72% người hưởng trợ cấp 1 lần là làm việc từ 1-3 năm, ông Hải khẳng định rất đông NLĐ mong muốn được làm việc lâu dài nhưng thực tế không như kỳ vọng. Ngoài ra, hiện lương hưu quá thấp, không tạo động lực cho NLĐ.

Công nhân luôn muốn chính sách phải bám sát đời sống của họ Ảnh: KHÁNH AN
Công nhân luôn muốn chính sách phải bám sát đời sống của họ Ảnh: KHÁNH AN

Câu chuyện về cuộc gặp của Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với một nữ công nhân (CN) đã đóng BHXH 18 năm vừa qua tạo nhiều cảm xúc tại thảo luận tổ. CN này kể chỉ cần đóng thêm 21 tháng nữa là sẽ được hưởng lương hưu nhưng tiền lương hưu chỉ 943.000 đồng/tháng. So với chuẩn nghèo TP HCM (trên 16 triệu đồng/năm) thì quá chênh lệch.

“Lương hưu 943.000 đồng có sống được không? Ai trả lời được câu hỏi này? Làm sao tôi trả lời được. Rõ ràng, trong trường hợp này, họ phải chọn giải quyết khó khăn trước mắt. Trước mắt không giải quyết được thì sao nghĩ đến chuyện lâu dài” - đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến và cho rằng việc Chính phủ tiếp thu cầu thị để sửa điều 60 là rất đáng hoan nghênh, QH nên ủng hộ.

Đề xuất 2 phương án

Tại tổ Đồng Nai, Chủ tịch Tổng LĐLĐ kể lại thời kỳ làm Chủ tịch LĐLĐ TP HCM (từ năm 2003), Chính phủ thông qua Nghị định 01, không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần dẫn đến ngừng việc, có DN đến 9.000 lao động tham gia. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phải trực tiếp vào TP HCM cam kết không có gì thay đổi. UBND TP HCM vào cuộc, cam kết trả tiền, không thay đổi nên mới ổn định tình hình trở lại. Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH đã ra thông tư hướng dẫn điều chỉnh.

Người đứng đầu Công đoàn Việt Nam cho biết Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam mời BHXH TP HCM xuống giải thích vào ngày 26-3-2015. Tại đây, CN hỏi “Tôi không đi làm được nữa. Họ tuyển CN mới, tôi về quê mở quán muốn xin nhận một lần được không?”. Câu trả của BHXH là không được. Kết quả là xảy ra ngừng việc phản đối không chỉ ở Pou Yuen Việt Nam mà có tới 15 DN tham gia… Tổng số người tham gia gần 100.000 và lan xuống Long An có 22 công ty tham gia với tổng số 21.000 lao động; Tiền Giang 6 công ty, Tây Ninh 2 công ty… “Sau khi tôi báo cáo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hải Chuyền đã đồng tình ngay việc kiến nghị Chính phủ sửa điều 60. Tôi hoan nghênh Chính phủ đề xuất sửa đổi điều 60” - ĐB Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Tùng đề xuất 2 phương án. Một là, sửa điều 60 đúng như quy định Luật BHXH năm 2006, tức NLĐ sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có nguyện vọng hưởng BHXH một lần thì được hưởng chế độ này. Hai là, QH ra nghị quyết tạm dừng thi hành điểm a, khoản 1, điều 60 và điểm a khoản 1 điều 77 Luật BHXH áp dụng theo quy định cũ để chờ khi sửa luật này.

Đồng tình, ĐB Trần Văn Bản (Ninh Bình) nêu khi đưa vấn đề sửa điều 60, trong 36 người dự họp có 75% đồng ý sửa và chỉ 22% không đồng ý sửa. “Tôi đề nghị xem xét giải quyết điểm a, khoản 1 điều 60. Phải sửa ngay như luật hiện hành để NLĐ lựa chọn” - ĐB Bản góp ý. ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nhất trí: “Chúng ta ký chưa “ráo” luật đã sửa liền thì không phù hợp. Nhưng không thể không điều chỉnh. Đề nghị QH ban hành nghị quyết sửa điều 60”.

Quyết liệt hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) không đồng tình cụm từ “trước mắt” như đề xuất của Chính phủ. “Nếu dùng từ này sẽ làm NLĐ hoài nghi nên phải khẳng định là sửa điều 60 luôn chứ không thể dùng từ “trước mắt”. Luật phải lâu dài, ổn định” - ĐB Ngân nhấn mạnh.

Phải nhận lỗi với người lao động

Theo ĐB Đặng Ngọc Tùng, khi xây dựng Luật BHXH năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã góp ý giữ nguyên việc hưởng BHXH một lần theo luật năm 2006; còn trường hợp để bảo đảm lâu dài hơn thì nên nâng lên sau 2 năm NLĐ không tìm được việc làm thì cho nhận trợ cấp 1 lần. “Đáng tiếc là ý kiến thiểu số của chúng tôi đã không được tiếp thu” - ĐB Đặng Ngọc Tùng kể lại.

Từ câu chuyện điều 60 Luật BHXH năm 2014, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị xem lại cách làm luật hiện nay. “Tôi đi tiếp xúc CN, họ cho rằng làm luật không sát thực tiễn. Điều này làm tôi trăn trở rất nhiều. Cử tri đều đặt vấn đề phải xem lại cách làm luật của QH. Đối với điều 60, trong quá trình lắng nghe, không phải không có ý kiến phản ứng là không khả thi, bất lợi cho NLĐ. Nhưng chúng ta đã nghe, tiếp thu như thế nào, rõ ràng phải xem lại” - ĐB Tâm nói, đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH đổi mới mạnh hơn nữa cách thảo luận ở hội trường, mở không gian tranh luận nhiều hơn. Đặc biệt, cần phải thay đổi cách biểu quyết thông qua các điều luật. Có khi điều luật tranh luận rất nhiều, còn ý kiến khác nhau nhiều thì lại không biểu quyết điều luật đó mà lại biểu quyết điều luật khác.

Tán đồng, ĐB Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) góp ý: “Khi làm luật, đòi hỏi chúng ta với trách nhiệm của mình phải biết lắng nghe chứ không nên dùng số đông để phủ quyết… Đề nghị trong các phần tiếp thu, ý kiến của các ĐB rất xác đáng, chúng tôi tiếp thu song cuối cùng lại giữ nguyên như dự thảo”.

ĐB Trần Hoàng Ngân thật lòng: “Tôi thấy buồn, xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực mà đã bị cử tri phản ứng”.

Cùng tâm trạng, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) bộc bạch: “Thấy CN phản ứng điều 60, tôi rất xấu hổ, thấy mình có lỗi với cử tri. Bên cạnh việc sửa luật thì QH phải nhận lỗi với NLĐ chứ không phải chỉ sửa rồi nhận lỗi cho có. QH phải cầu thị và thật tâm trong lần sửa đổi này”.

 

Giám sát: Đừng khen nhau rồi về

Ngoài thảo luận tổ về điều 60 Luật BHXH năm 2014, sáng 22-5, các ĐB cũng cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng QH phải quy định rõ phương pháp thực hiện việc giám sát thì việc giám sát của QH và HĐND mới có hiệu quả. ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) khẳng định cần phân biệt rõ giữa “giám sát” và “khảo sát”. “ĐBQH, HĐND muốn giám sát vấn đề gì trước hết phải đi khảo sát để nắm nội dung, vướng chỗ nào, chỗ nào còn băn khoăn chứ đừng giám sát kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Đến nơi giám sát, xin ĐB đừng chỉ đọc báo cáo, khen nhau rồi về” - ông Minh gửi gắm.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. QH cũng nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung, TP HCM):

Công nhân rất hiểu luật

Thực tế cho thấy không phải CN không hiểu luật nên phản đối mà thật ra họ rất hiểu luật và họ nhận thấy dù muốn cũng khó có thể duy trì công việc được 20, 25 năm bởi lẽ đa số CN chỉ được ký 2 lần HĐLĐ xác định thời hạn rồi cho nghỉ việc; đồng thời, các công ty đang đua nhau giảm độ tuổi lao động xuống vì lao động lớn tuổi khó nắm bắt công nghệ sản xuất mới. Do vậy, khi lao động lớn tuổi, không tìm được việc làm mới họ buộc phải về quê sinh sống; khi đó họ cần số tiền BHXH đã tích lũy được để giải quyết khó khăn trước mắt. Thiết nghĩ, không nên ép buộc mà để NLĐ xem xét hoàn cảnh, điều kiện của mình để lựa chọn đóng tiếp hay hưởng một lần, có như thế luật mới đi đúng mục đích an sinh.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, Công ty Freetrend (KCX Linh Trung 1, TP HCM):

Nên tôn trọng ý kiến NLĐ

Sao lại có sự ép buộc như thế và khi làm luật không hiểu các cơ quan chức năng có tham khảo ý kiến rộng rãi của CN, CĐ hay không? Không phải tất cả CN đều muốn lãnh một lần nhưng chúng tôi muốn có quyền chọn lựa. Trong tình hình hiện nay, đa số CN muốn lãnh một lần để về quê làm ăn, sinh sống, lo cho con cái ăn học nhưng cũng có CN mong muốn được bảo lưu để lãnh lương hưu sau này. Tuy nhiên, cách tính lương hưu theo luật mới dẫn đến lương hưu quá thấp. Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi để rồi phải lãnh đồng lương hưu không đủ sống thì chờ đợi làm gì? Chưa kể có người không tiếp tục làm việc, không đóng BHXH phải chờ đợi đến tuổi hưu mới được lãnh trợ cấp một lần thì liệu đồng tiền có được bảo toàn giá trị? Tôi đề xuất Quốc hội nên sửa đổi luật theo hướng tôn trọng ý kiến của NLĐ để chúng tôi được lựa chọn theo cách nào phù hợp với hoàn cảnh của mình!

Ông Nguyễn Văn Bưởi, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pungkook Sài Gòn (KCX Tân Thuận):

Cách tính lương hưu chưa hợp lý

Trường hợp một nữ CN đóng BHXH 18 năm bắt buộc và 21 tháng tự nguyện nhưng mức lương hưu chỉ hơn 900.000 đồng/tháng là CN của công ty tôi. Sau khi nghỉ hưu, nữ CN này phải tiếp tục đi làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhìn vào trường hợp của chị, những CN có số năm đóng BHXH 18, 19 năm vô cùng lo ngại bởi mức lương hưu đó chắc chắn không thể giúp họ có cuộc sống an nhàn. Vì vậy, một số CN có muốn xin nghỉ việc để được lãnh BHXH một lần, sau đó xin làm việc trở lại hoặc sang công ty khác hay làm những công việc tự do. Thế nên, khi biết điều 60 Luật BHXH sửa đổi không cho phép nhận trợ cấp một lần, họ đã phản ứng. Tôi cho rằng cả cách tính lương hưu lẫn quy định thụ hưởng BHXH hiện nay đều rất bất công với CN.

Ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Hòa Bình (TP HCM):

Bảo lưu quyền lựa chọn cho NLĐ

Tôi thông cảm với suy nghĩ của NLĐ bởi trong nhiều tình huống, họ không có sự lựa chọn nào khác. Tôi hoàn toàn tán thành việc Chính phủ đề xuất QH xem xét, điều chỉnh điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng trước mắt cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH thì được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Ông Bùi Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Găng tay Khải Hoàn (Bình Dương):

Cho phép NLĐ hưởng trợ cấp một lần

Tuổi nghề của CN các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày rất thấp do số đông khi bước sang tuổi 40 thì sức khỏe và năng suất lao động sút giảm rõ rệt nên họ thường đối diện nguy cơ mất việc. Nghỉ việc và quay về quê, điều họ nghĩ đến đầu tiên là phải có vốn sinh nhai và khoản trợ cấp BHXH 1 lần sẽ giúp họ. Tôi ủng hộ ý kiến cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH thì được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH. M.Chi - T.Nga - H.Đào - K.An ghi

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo