Ông Tô Văn Động, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng việc các địa phương, ngành nghề đua nhau tổ chức festival với mật độ dày đặc (trong 2 năm 2010-2011, cả nước đã tổ chức hơn 40 festival) đã khiến cho hoạt động này trở nên chồng chéo, gây lãng phí.
Quy chế hóa việc tổ chức
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thực tế, có không ít sự kiện tương đối bình thường nhưng vẫn được “khoác áo” festival như: Festival Cây cảnh Bắc Ninh, Festival Cây cảnh Thanh Hóa, Festival Khèn Mông Hà Giang, Festival Thuận An biển gọi, Festival Sinh vật cảnh Ninh Bình… Trong đó, đáng nói nhất là Việt Nam Golf Festival 2011 kéo dài tới 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8-2011, tổ chức ở nhiều sân golf trải dài từ Bắc vào Nam.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), thẳng thắn: “Nhiều festival chưa xứng tầm, chồng chéo nội dung đã gây lãng phí lớn nhiều mặt, làm giảm ý nghĩa của festival. Trong khi đó, chất lượng các sản phẩm du lịch ở những nơi tổ chức festival còn nghèo nàn, không ít địa phương có biểu hiện phô trương, chưa tính đến hiệu quả văn hóa, kinh tế từ hoạt động này”.
Ông Tô Văn Động cho biết trước thực trạng đó, cuối tháng 2-2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT xây dựng Quy chế Tổ chức festival ngành nghề trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện dự thảo quy chế này đang được gấp rút soạn thảo để lấy ý kiến rộng rãi của nhiều thành phần.
Theo đó, dự kiến chỉ có 4 loại hình festival được tổ chức, gồm: Festival ngành nghề thủ công truyền thống; festival ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; festival ngành văn hóa - thể thao và du lịch; festival ngành nghề khoa học - công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.
Quy mô festival được chia làm hai cấp: Festival ngành nghề cấp quốc gia tổ chức 2-3 năm một lần, mỗi lần không quá 7 ngày; festival ngành nghề cấp tỉnh tổ chức 2 năm một lần, mỗi lần không quá 5 ngày. Các festival được tổ chức trên nguyên tắc bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả; không phô trương, hình thức, lãng phí.
Hiệu quả nhờ xã hội hóa
Cũng theo ông Tô Văn Động, cần xã hội hóa việc tổ chức các festival theo hướng huy động các doanh nghiệp, hiệp hội... tham gia đóng góp tài chính, vật lực. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch vấn đề tài chính.
Sau 7 ngày, tối nay (15-4), Festival Huế 2012 sẽ kết thúc. Theo ban tổ chức, Festival Huế năm nay có sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp với số tiền hơn 20 tỉ đồng, trong đó có 17 tỉ đồng tiền mặt và 3 tỉ đồng thông qua hiện vật. Trong 7 chương trình chính của festival này, chỉ có Thiên hạ thái bình phải nhờ ngân sách Nhà nước, những chương trình khác đều do các doanh nghiệp tài trợ, tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ hỗ trợ một phần.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2012, nói: “Phương châm của chúng tôi là vận động các doanh nghiệp hỗ trợ để cùng tỉnh tổ chức festival, có bao nhiêu kinh phí thì làm bấy nhiêu”. Cách xã hội hóa tổ chức Festival Huế qua các kỳ của tỉnh Thừa Thiên - Huế được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá là “năng động, hiệu quả và rất đáng được các địa phương khác học hỏi”.
Tương tự, Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng qua 4 lần tổ chức cũng mang tính xã hội hóa rất cao; kinh phí cho mỗi lễ hội hàng chục tỉ đồng, đều được chính quyền TP huy động từ các nguồn ngoài ngân sách.
Riêng Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2012 (sẽ diễn ra vào dịp 30-4 năm nay) đến thời điểm này đã có hơn 24 doanh nghiệp tài trợ 27,596 tỉ đồng, trong đó 20,75 tỉ đồng là tiền mặt. “Điều thành công của lễ hội pháo hoa là chúng tôi không lấy tiền ngân sách để tổ chức mà vẫn mang lại hiệu quả rất lớn, nên được người dân đồng thuận” - ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chia sẻ.
Bình luận (0)