Toàn thế giới có 157 ngã ba biên giới ở 134 nước, trong đó nước ta có hai ngã ba biên giới: Việt Nam-Lào-Trung Quốc ở tỉnh Lai Châu và Việt Nam-Campuchia-Lào ở gần khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Các nước không có ngã ba biên giới nằm trong trường hợp là một đảo quốc như Nhật Bản, hoặc chỉ giáp với một nước như Bồ Đào Nha hoặc giáp với hai nước nhưng ở hai phía khác nhau như Tây Ban Nha...
Số lượng ngã ba biên giới của một nước không phụ thuộc vào độ dài của đường biên. Nước Áo có 9 ngã ba biên giới, nước Nga có 10 trong khi chiều dài biên giới nước Nga hơn tám lần nước Áo. Mỹ là một trong những quốc gia có biên giới dài nhất thế giới nhưng không có một ngã ba biên giới nào!
Ngã ba biên giới Hà Lan - Đức - Bỉ
Trong chuyến đi vòng quanh nước Đức và vài nước lân cận (CH Séc, Áo, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Bỉ), tôi đã qua lại cửa khẩu các nước này và chứng kiến sự chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của các trạm kiểm soát biên giới. Tất cả các trạm lớn nhỏ ở biên giới giữa các nước này đều đóng cửa. Các rào chắn được dỡ bỏ. Tốc độ chạy xe qua biên giới vẫn trên 120 km/giờ nên nếu không chú ý, bạn sẽ không biết rằng mình đã vừa từ một nước này qua một nước khác.
Vaalserberg thuộc thị xã Vaals, tỉnh Limburg, là điểm xa nhất phía Đông Nam của Hà Lan. Đây chính là ngã ba biên giới ba nước Hà Lan-Đức-Bỉ. Cách 3 km phía Đông Nam là thành phố Đức gần nhất, Aachen (Aix-la-Chapelle). Cũng với khoảng cách như vậy về phía Tây Nam là thị xã Plombières thuộc tỉnh Liège trong vùng Wallonie của cộng đồng nói tiếng Pháp nước Bỉ. Chung quanh ngã ba biên giới này, trên lãnh thổ cả ba nước đều là những vùng du lịch hấp dẫn. Trong khi khoảng một nửa nước Hà Lan có độ cao ít hơn 1 m so với mặt biển, một vài vùng còn thấp hơn cả mực nước biển thì mạn Nam của tỉnh Limburg là một vùng đồi hiếm hoi của quê hương hoa tu-lip. Vaalserberg (có nghĩa là núi Vaals) là một quả đồi tọa lạc trên vùng đất này và là điểm cao nhất của nước Hà Lan với độ cao 322,20 m theo mức chuẩn NAP (Normaal Amsterdams Peil - mực nước biển tại Amsterdam).
Thành phố Heerlen chỉ với ngót một trăm ngàn dân trên một diện tích rất nhiều cây xanh, có một trung tâm thương mại (Corio Center) được đánh giá là một trong ba địa điểm mua sắm được xây dựng đẹp nhất và hoạt động tốt nhất trong cả nước Hà Lan, một nhà văn hóa bảy tầng trên một mặt bằng khá rộng với đủ các loại hình sinh hoạt phong phú... Là một thành phố trẻ nhưng Heerlen bảo tồn khá tốt di tích xưa như Pancratius Kerl-Heerlen vốn là một lâu đài cổ từ thế kỷ XII. Năm 1390, công tước Brabant trùng tu thành pháo đài, đến cuối thế kỷ XVI lại sửa thành tháp chuông nhà thờ.
![]() |
Tháp Baudouin tại ngã ba biên giới Hà Lan-Đức-Bỉ |
Từ thành phố xinh đẹp này, dưới sự hướng dẫn của anh Nghĩa, một cựu học sinh Tabert-Sài Gòn, vào một buổi chiều, chúng tôi chạy xe chỉ hơn 10 km là đến Vaalserberg. Xe chạy qua vùng đồi trồng nho và chăn nuôi gia súc với những đàn bò nâu hoặc loang trắng đen nhởn nhơ, bình thản trên đồng cỏ có hàng rào đơn sơ nhưng chắc chắn đủ ngăn không để gia súc lạc bước ra đường xe chạy. Bãi đậu xe chật kín hàng trăm chiếc xe hơi và nhiều xe gắn máy phân khối lớn từ ba nước Hà Lan, Đức, Bỉ và nhiều nước khác (bảng số xe bên cạnh logo của khối EU có các chữ NL, D, B...). Nơi này đã trở thành một khu du lịch giải trí có sân khấu ca nhạc, siêu thị, vườn bia, khu trò chơi thiếu nhi với một vườn mê lộ, khu cắm trại có các bệ lò để du khách có thể tự nướng thịt... và một tháp vọng cảnh cao 50 m mang tên vua nước Bỉ Baudouin. Anh Nghĩa mua vé (3ª/người) cho chúng tôi lên đỉnh tháp bằng thang máy để ngắm toàn cảnh khu biên giới của ba nước. Ở ba hướng trên đỉnh tháp có các bảng gang đúc nổi tên ba nước và bảng giới thiệu quá trình hình thành và phát triển Liên hiệp châu Âu (EU-European Union) trong hơn 50 năm qua, khởi đầu từ các tổ chức tiền thân như Cộng đồng Than Thép châu Âu (ESCS) năm 1951, Cộng đồng Nguyên tử lượng (Euratom) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1957...
Ngã ba biên giới Schengen
Khôi là sinh viên sư phạm, sinh ra tại Hà Nội, nay định cư tại Diekirch cùng bố mẹ, vừa kết thúc khóa thực tập tại Heidelberg (bang Baden-Württemberg). Anh lái chiếc Nissan Micra đưa tôi từ địa phận bang Saarland (CHLB Đức), vượt qua một cây cầu nhỏ bắc ngang sông Moselle vào Remich trên đất Đại công quốc Luxembourg. Nơi này hoàn toàn không có dấu hiệu gì đặc biệt của một “vùng sâu, vùng xa” khi chúng tôi dừng lại chụp hình kỷ niệm Bên cầu biên giới. Tôi bỗng nhớ đến một bài ca đã lâu lắm Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ/Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa... Remich là thủ phủ của một trong 12 tỉnh của Luxembourg, chỉ có trên ba ngàn cư dân nhưng rất đẹp, trải rộng trên diện tích hơn 5 km2 một vùng đất cao 140 m - 220 m so với mặt biển, được mệnh danh là Viên ngọc bên sông Moselle. Từ đây xuôi xuống phía Nam theo con đường Liên tỉnh số 10 sát ngay bên tả ngạn sông Moselle - một nhánh của sông Rhin- phong cảnh thật kỳ thú. Trời trong xanh điểm vài mảng mây trắng. Nắng chói chang nhưng nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 17oC-18oC. Bên kia sông là một vùng nông thôn nước Đức với những quả đồi thấp phủ một màu xanh ngát các loại cây trồng ngắn ngày vụ hè thu, những ngôi nhà gạch màu trắng lợp ngói nâu, đôi lúc nổi lên tháp chuông một nhà thờ nhỏ kiểu gothic. Bên đất Luxembourg cũng vậy. Đây là một vùng vốn có nghề nấu rượu vang. Ở đây có những đồi nho rất giống vùng trà Thái Nguyên, Bảo Lộc nhưng không đánh luống theo đường đồng mực như ở quê nhà mà cứ từng luống song song thẳng tắp từ trên đỉnh xuống chân đồi. Trên sông Moselle là những chiếc tàu du lịch chở đầy khách. Anh Khôi cho biết những tàu đó chở du khách theo một tour khứ hồi trong một ngày từ Schengen đến Trier, một thành phố cổ xưa nhất của Đức. Xe chạy được 10 km tính từ Remich thì đến Schengen, thị trấn cực Nam của Luxembourg, chỉ có trên một ngàn rưỡi cư dân, trước đây chưa từng được biết đến, nhưng nay đã thở thành một địa điểm lịch sử và du lịch sinh thái hết sức lý tưởng. Hai phía Đông và Nam giáp với vùng biên của Đức và Pháp đều là những khu dân cư với nhà vườn và đường sá trải rộng.
Chúng tôi đến thẳng vị trí các bia kỷ niệm sự kiện ký Hiệp ước Schengen về bãi bỏ sự kiểm soát biên giới châu Âu ngày 14-6-1985 trên boong tàu Princesse Marie-Astrid neo đậu tại đây. Với sáu nước (Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Ý) tham gia đầu tiên, nay Schengen đã mở rộng ra 24 nước, từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha qua Hy Lạp, Áo rồi CH Séc, Slovakia... đến các nước vùng Baltique (Estonia, Latvia, Litva). Du khách từ các nước khác chỉ cần có visa của một trong các nước này là có thể đi gần khắp châu Âu mà không cần phải thực hiện thêm một thủ tục nào.
Rất đông du khách đến từ các nơi đang dạo chơi và chụp hình. Thấy một gia đình bước xuống từ một xe có bảng số FR, tôi tới làm quen và được biết họ đến từ Auxerre vùng Bourgogne, miền Trung nước Pháp. Nhiều nhóm khách đến đây du lịch, nghỉ dưỡng, câu cá, chèo thuyền, thưởng thức rượu vang, cắm trại... Với mấy chiếc xe đạp mang theo, thậm chí có thể đi hoặc chạy bộ, chỉ trong ít phút, họ đã có thể bước qua ba nước.
Sau ngày hiệp ước được ký và nhất là từ khi có hiệu lực thi hành, Schengen trở nên nổi tiếng và có nhiều thay đổi. Từ 3-9-2006, Schengen trở thành trung tâm hành chính của địa phương mà trước đó do thị trấn Remerschen đảm trách. Một trường trung học quốc tế ở Perl (Đức), gần biên giới, cũng lấy tên là Schengen...
EU tiêu biểu cho quá trình hòa nhập thế giới Đứng giữa cây cầu lớn trên sông Moselle khánh thành vào tháng 7-2003 ngay ranh của biên giới Luxembourg, Đức và Pháp ở Schengen, ngắm nhìn khung cảnh hòa trộn giữa thiên nhiên êm ả và con người hiền hòa, thân thiện thuộc những quốc gia từng có lúc là đối địch trên chiến trường, tôi cảm nhận sâu sắc quá trình 50 năm trải qua nhiều bước thăng trầm để có được những thành tựu như thực tại của EU là một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu về kinh tế, chính trị, tiền tệ... Riêng về văn hóa, chỉ qua một lễ hội nhộn nhịp công chúng từ khắp vùng gần xa đổ về tại lâu đài cổ Vianden trên đỉnh một ngọn núi đá ở phía Đông Luxembourg, với sự góp mặt các đoàn nghệ thuật truyền thống của nhiều quốc gia, tôi thấy sắc thái đặc thù của các dân tộc lớn nhỏ đều được mọi người tôn vinh như nhau. Đó có thể coi như tiêu biểu cho quá trình hòa nhập của thế giới ngày nay. Từ 6 thành viên ban đầu, hiện EU có 27 quốc gia thành viên, với diện tích hơn 4,4 triệu km2, dân số gần 500 triệu người và GDP khoảng 15.700 tỉ USD (2007). Nghị viện châu Âu hiện có 732 nghị sĩ, nhiệm kỳ năm năm, được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và trong nghị viện, các nghị sĩ không ngồi theo quốc tịch mà theo nhóm chính trị. Quá trình hòa nhập còn đang tiếp diễn. Ngay trong đời sống kinh tế, sự khác biệt vẫn còn thấy được nếu bạn để ý. Chẳng hạn, từ lãnh thổ các nước Pháp, Bỉ, Đức và Hà Lan vào đến đất Luxembourg, ở các trạm xăng dầu sát biên giới, hàng đoàn xe hơi các nước láng giềng, kể cả nhiều xe container chạy đường dài của Ba Lan, CH Séc... xếp hàng để đổ xăng. Lý do thật đơn giản, giá cùng một loại xăng ở Luxembourg vào thời điểm đó là 1,26ª, trong khi ở Đức 1,56ª, Hà Lan 1,6ª... |
Bình luận (0)