Một tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" ở Nhà máy Zelenodolsky - Ảnh: RIA Novosti
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, Nhà máy Zelenodolsky mang tên A.M. Gorky ngày 24-9 đã tổ chức lễ khởi công xây dựng 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" mới cho Việt Nam.
Hợp đồng liên chính phủ về việc cung cấp cặp tàu hộ vệ tên lửa "Gepard - 3.9" thứ hai được ký kết trong tháng 10-2012. Hợp đồng chính phủ giữa Công ty Cổ phần "Rosoboronexport" và "Nhà máy Zelenodolsky mang tên A.M. Gorky" đã được ký kết vào tháng 2-2013.
Công trình đóng cặp tàu tuần tra thứ 2 của đề án 11661E "Gepard-3.9" dành cho lực lượng Hải quân Việt Nam được tiến hành nghiêm túc theo đúng qui định trong hợp đồng tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsky.
Theo hợp đồng ký tháng 2 năm nay, cặp "Gepard-3.9" thứ hai được trang bị hệ thống vũ khí chống ngầm thế hệ mới, động cơ đẩy và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn. Ngoài ra, tàu còn được tích hợp các hệ thống truyền thông bên ngoài và bên trong khoang tàu, cũng như hệ thống phát thanh - truyền hình, hệ thống quan sát.
Với những tính năng hiện đại được bổ sung thêm, cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9" mới sẽ góp phần nâng cao khả năng chống ngầm trên hạm của lực lượng Hải quân Việt Nam.
Theo kế hoạch, 2 tàu hộ vệ tên lửa "Gepard 3.9" mới sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017.
Cặp tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (trước) và Lý Thái Tổ (sau) trên đường tuần tra bảo vệ chủ quyền - Ảnh: Trọng Thiết
Trước đây, vào năm 2006, Việt Nam đã đặt mua của Nga 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9". Cặp tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên này đã được bàn giao cho Việt Nam trong năm 2011.
Cả 2 chiếc "Gepard-3.9" đều đã được đưa vào biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong đó chiếc đầu tiên mang tên Đinh Tiên Hoàng ( số hiệu HQ-011) và chiếc thứ hai mang tên Lý Thái Tổ (số hiệu HQ-012) được biên chế lần lượt vào tháng 3-2011 tháng 8-2011.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, 2 tàu hộ vệ tên lửa chuyển giao năm 2011 được trang bị hệ thống chống ngầm bao gồm: 4 ống phóng ngư lôi DTA-53 533 mm (2 bệ phóng kép). Hệ thống phóng ngư lôi nước sâu RBU-6000 với 12 ống phóng. Hệ thống sonar MGK-335EM-03. Hệ thống kiểm soát hỏa lực chống ngầm Purga. Ngoài ra ở đuôi tàu còn có sân cất/hạ cánh cho 1 trực thăng chống ngầm Ка-28.
Đến nay, lực lượng Hải quân Việt Nam đã thực sự làm chủ 2 tàu hộ vệ tên lửa, cũng là 2 chiến hạm hiện đại nhất lúc này của hải quân Việt Nam, với các hoạt động như độc lập thử tên lửa chống hạm Uran-E (Kh35), tổ chức huấn luyện đường dài, huấn luyện hạ - cất cánh máy bay lên thẳng săn ngầm K28…
Theo thiết kế chung, tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
Chiến hạm lớp "Gepard-3.9" có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.
Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm…
Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.
|
Bình luận (0)