Chiều 16-4, không khí tang thương vẫn bao trùm xã nghèo Nghĩa Hà sau cái chết của 9 học sinh lớp 6B Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Cả 9 em đều có gia cảnh nghèo khó, hầu hết cha mẹ đi làm rẫy, bán hàng rong, phụ hồ… ở xa. Khi nhận được hung tin, họ trở về ôm thi thể con trong nước mắt.
Hai em còn sống khi được cứu
Nhắc lại chuyện 9 bạn học tử vong, em Cao Thị Bích Nga (1 trong 2 học sinh nữ chứng kiến vụ việc) vẫn còn sợ hãi. Nga kể: “Sáng 15-4, sau khi học xong, mấy bạn rủ nhau trưa đi bơi. Tụi em cản nhưng các bạn không nghe. Đến 13 giờ, khi đi ngang qua đoạn sông trên, thấy các bạn lội ở ngoài bãi xa, tụi em sợ quá gọi lên bờ nhưng các bạn không nghe”.
Nga và một bạn cùng lớp tên Phượng đứng trên bờ một lúc thì không thấy 9 bạn nam đâu. Cả 2 cứ tưởng các bạn ra bãi trồng dưa nên vội đi tìm nhưng không thấy. Đến lúc quay lại thì thấy đầu tóc một bạn trồi lên. “Tụi em hốt hoảng chạy đi kêu một chú bắt ốc gần đó đến cứu. Chú bắt ốc chạy tới kéo được bạn Quý lên bờ và vẫn còn thở. Bạn Quý nói còn 8 bạn ở dưới nữa rồi lịm dần. Chú bắt ốc tiếp tục kéo bạn Sum lên và vẫn còn thoi thóp nhưng vì sợ quá chú bắt ốc bỏ chạy mất” - Nga kể.
Sau khi nghe tiếng la thất thanh, nhiều người chạy đến kéo được 7 em khác lên bờ nhưng tất cả đã ngưng thở. Riêng 2 em Sum và Quý do không được sơ cứu ban đầu nên chết trên đường đi cấp cứu.
Sáng 16-4, chúng tôi đến khu vực xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà. Tại đây, người dân đã lập vội một bàn thờ ngay sát mép nước. Khu vực nơi các em chết đuối là một vũng nước sâu hoắm, có bờ vực dốc, xung quanh không có bất kỳ một biển báo nào.
Ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, cho biết khu vực trên sở dĩ có hố sâu vì do một công ty múc cát, đắp đường để khai thác cát gây ra. “Sự việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về chính quyền khi không có biển báo” - ông Trạng nói.
Đến lúc chết vẫn không biết mặt cha, mẹ
Trong số 9 học sinh tử vong, có lẽ trường hợp thương tâm nhất là em Phạm Su Sum (ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà). Trong ngôi nhà nhỏ, từ khi nhận hung tin cháu ngoại chết đuối, bà Nguyễn Thị Dung khóc hết nước mắt, lả người đòi chết thay cho cháu.
Ông Phạm Hiếu, cậu ruột Sum, cho biết lọt lòng mẹ được 1 tháng, Sum đã sống với bà ngoại và cậu. Mẹ Sum bỏ đi biền biệt, giờ không biết ở đâu, cha cũng chưa được một lần gặp mặt. “Tội nghiệp nó, đến giờ cũng chưa biết mặt cha, mẹ ra sao” - ông Hiếu nghẹn lời.
Gần đó, gia cảnh của em Lê Văn Đô (ngụ thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà) cũng nghèo khó đến xót lòng. Đô vốn là anh cả trong nhà có 3 anh em. Từ nhỏ, vì nhà nghèo nên Đô phải phụ cha mẹ lo cơm nước cho 2 em còn nhỏ.
Ông Thành, hàng xóm nhà Đô, cho biết vì hoàn cảnh khó khăn nên khi ăn Tết xong, chị Kim Hồng (mẹ của Đô) phải vào TP HCM bán chè kiếm tiền gửi về nuôi con ăn học. Khi biết sự việc, chị Hồng cấp tốc về với con. Lúc 3 giờ ngày 16-4, chị Hồng mới về tới nhà. Vừa bước vào nhà, chị chết lặng, khụy xuống khi nhìn thấy đứa con trai nằm bất động trong quan tài.
Trong ngày 16-4, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, đã về thăm hỏi, động viên gia đình 9 học sinh trong vụ đuối nước. Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu cũng đến chia buồn và hỗ trợ mỗi gia đình học sinh bị nạn 5 triệu đồng.
Thêm 3 trường hợp chết đuối
Tối 16-4, Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang điều tra về cái chết của 2 anh em cháu Võ Tùng Lâm (4 tuổi) và Võ Thị Linh Nhi (2 tuổi) ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Chiều cùng ngày, 2 cháu dắt nhau đến nhà ông Nguyễn Tất Nam đang xây dựng (cách nhà 2 cháu khoảng 500 m) chơi. Vô ý, 2 anh em bị ngã vào bể tự hoại đang xây dựng và chết đuối.
Cũng trong sáng 16-4, nhóm 24 học sinh Trường THPT Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi đến suối Lũng Ô (xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chơi. Tại đây, em Phạm Văn Minh (SN 1997) rơi xuống suối và tử vong.
Bình luận (0)