icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng

Minh Ngọc

40 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý l Qua đơn thư tố cáo, hành vi tham nhũng năm 2008 nhiều hơn năm 2007

Tám thành viên chủ chốt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban Thường trực, đã họp đánh giá kết quả phòng chống tham nhũng trong quý III và phương hướng công tác các tháng cuối năm 2008 vào chiều 30-10.

Ngày càng tinh vi, phức tạp

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 40 trường hợp người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do trong cơ quan có người tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 9 người.

“Nếu phân tích số đơn thư tố cáo, hành vi tham nhũng năm 2008 nhiều hơn năm 2007” - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được thực hiện ngày càng ráo riết. Năm 2008, thanh tra đã tiến hành hơn 14.000 cuộc, trong đó nhiều nơi từ trước đến nay chưa bao giờ làm. Đến nay, đã chuyển đổi vị trí công chức, cán bộ khoảng 4.942 người.

Ông Truyền nêu rõ: Có dư luận cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa quyết liệt, dễ làm khó bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện. “Có lĩnh vực như cổ phần hóa, kiểm tra 10 doanh nghiệp thì sai phạm đủ 10 và sai phạm giống như nhau”- ông Truyền cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền thì nhận định: “Lãng phí lớn có lẽ còn gây thiệt hại hơn tham nhũng”.

Tội đến đâu, xử đến đó

“Đứng về phía các cơ quan tư pháp, mỗi lần lên diễn đàn Quốc hội là chúng tôi day dứt, cảm thấy có lỗi vì sao án cứ để chậm, xử lý như thế nào”- Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quốc Vượng băn khoăn. Theo ông, các cơ quan tố tụng phải rút kinh nghiệm cả về trình độ, cơ chế và sự phối hợp do chậm trễ trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Một mặt, trình độ cán bộ điều tra, kiểm sát còn bất cập. Mặt khác, các vụ án lớn đều do điều tra viên cao cấp, kiểm sát viên cao cấp thụ lý nhưng loại tội tham nhũng nếu không cho phép cơ quan điều tra có biện pháp đặc biệt thì không thể làm được; các vụ án kinh tế đòi hỏi giám định mất nhiều thời gian và tốn kém.

Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, quá trình truy tố còn chậm do đối tượng phạm tội rất tinh vi. Ngoài ra còn có lý do năng lực cán bộ điều tra, kiểm sát, thẩm phán còn hạn chế... Ông Bình khẳng định không hề có án “đầu voi đuôi chuột” mà kết quả đến đâu, xử đến đó...

Phòng là chính

Ông Trương Hòa Bình đề nghị xem xét người đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở địa phương là chủ tịch UBND cấp tỉnh có hợp lý hay không, bởi theo ông, chủ tịch UBND cấp tỉnh “mạnh thì không sao, nếu tham nhũng thì đành chịu”. Ông Trần Văn Truyền đề nghị trong quý IV/2008 này tiếp tục giải quyết một số vấn đề liên quan đến thể chế như chiến lược phòng chống tham nhũng, đề án kiểm soát thu nhập, thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, công khai minh bạch; xử lý các kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra tập trung hơn, nhất là những vụ dư luận quan tâm.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Mục tiêu hiện nay là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Về lâu dài phòng là chính nhưng trước mắt chống tham nhũng là quan trọng nhất. Phó Thủ tướng cũng cho rằng đối với chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, các cơ quan tố tụng phải rút kinh nghiệm, xem xét lại nguyên nhân; cần phải bố trí cán bộ giỏi, có tâm, có tầm để tạo niềm tin cho nhân dân.

Đơn thư tố cáo ngày càng quyết liệt

Hôm nay, 31-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sẽ trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Truyền khẳng định: “Đơn thư tố cáo, khiếu nại của cán bộ, công chức về tham nhũng ngày càng nhiều hơn, quyết liệt hơn chứng tỏ công tác phòng chống được làm ráo riết hơn. Sau khi một số nhà báo bị khởi tố, xử lý thì thông tin báo chí về phòng chống tham nhũng có chùng xuống chứ thực tế không như vậy”.

Về việc kết quả điều tra các vụ tham nhũng thường thay đổi so với ban đầu, ông Truyền cho rằng lúc đầu có thể cơ quan chức năng nắm chưa đầy đủ, càng về sau không đủ căn cứ thì kết luận giảm đi. “Qua tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đã phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự nhiều vụ việc. Nhưng giữa kiến nghị của thanh tra và các cơ quan chức năng khác tới kết luận của cơ quan điều tra thì còn một giai đoạn dài”- ông Truyền nhìn nhận.

T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo