Số liệu này được Bộ Nội vụ đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 3 đang diễn ra và gây thất vọng không nhỏ đối với người dân.
Gánh nặng về biên chế đang ngày một đè nặng lên nguồn ngân sách quốc gia vốn không mấy sung túc. Cả nước với 63 tỉnh, thành nhưng số địa phương tự chủ được ngân sách chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chỉ một tỉnh xếp hạng vừa thôi mà mỗi năm cũng phải xin ngân sách từ trung ương cả chục ngàn tỉ đồng. Trong số tiền này, lớn nhất vẫn là dùng để trả lương cho cán bộ. Bộ máy cán bộ bao năm qua càng phình to, thừa thãi trong khi hiệu quả làm việc, hiệu quả phục vụ người dân được đánh giá là không cao.
Hiện nay, có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Với đội ngũ đông đúc như vậy, kiểu gì thì ngân sách cũng khó gánh nổi. Đã vậy, không ít cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", tới tháng nhận lương mà không hề ngượng ngùng. Không ít cơ quan đua nhau đề bạt cán bộ làm "sếp" để nâng lương, nâng bậc, từ đó sinh ra đặc quyền, đặc lợi mà không hề áy náy.
Vậy thì tại sao không giảm được biên chế, không đưa được những người vô năng ra khỏi bộ máy nhà nước? Vấn đề này gây nhức nhối xã hội bao năm qua, đã được đặt lên bàn của rất nhiều cuộc họp quan trọng tầm quốc gia và lãnh đạo của đất nước nhiều lần trăn trở nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Càng thất vọng hơn khi những cơ quan, những con người liên quan trực tiếp đến đề án này vẫn không tìm ra phương sách để buộc các địa phương, cơ quan thực hiện cho bằng được việc tinh giản biên chế.
Rất nhiều lý do được đưa ra để biện hộ cho sự trì trệ này: nào là cán bộ đủ năng lực, đủ tiêu chuẩn không thể giảm được; nhiều cơ quan, tổ chức rất cần người... Nhưng một lý do trọng yếu nhất, dễ thấy nhất chính là không ít cán bộ xem ngân sách là "chùm khế ngọt" dễ hưởng dụng trong khi công việc không mấy vất vả lại không được đề cập cụ thể và tìm cách khu trừ. Rồi còn chuyện mua bán ghế, chạy chọt vào làm việc trong bộ máy nhà nước, bố trí người nhà làm cán bộ... càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Đặt câu chuyện tinh giản biên chế với tái cấu trúc nhân sự ở doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ có câu trả lời cho thực trạng. Đó là không biết anh là ai, bằng cấp gì, nếu hiệu quả làm việc không tương xứng thì sẽ mất chỗ liền. Nếu người yếu kém không đủ tự trọng để tự xin nghỉ thì căn cứ vào hiệu quả công việc ra quyết định sa thải.
Cách làm này hiệu quả và thật sự không khó. Hãy quyết tâm trong công tác giảm biên chế bởi nếu nương nhẹ nó sẽ trở thành gánh nặng đối với người dân, đối với quốc gia.
Bình luận (0)