Cuối năm 2016, tuyến đường Khe Van - Hướng Linh (tỉnh Quảng Trị) do Công ty CP Tân Hoàn Cầu khởi công với chiều dài khoảng 15 km đi qua 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Lợi dụng tuyến đường đang thi công, “lâm tặc” kéo vào rừng phòng hộ đốn hạ cây rừng.
Những ngày vừa qua, chúng tôi đến nơi đang thi công tuyến đường. Từ đằng xa đã nghe tiếng máy cưa trong rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông vọng lại. Leo hết triền dốc với lởm chởm đá núi sắc cạnh, chúng tôi tiếp cận khu vực đang phát ra tiếng cưa máy. Dọc lối đi, rất nhiều gốc cây đường kính 40-80 cm như dẻ, lội, chim chim, bằng lăng, chủa… bị cưa sát gốc, mủ còn rỉ. Nhiều thân cây được “lâm tặc” xẻ khúc dài khoảng 2 m, chờ vận chuyển. Hai “lâm tặc” mà chúng tôi gặp là người dân tộc Vân Kiều. Họ dùng cưa máy đốn hạ cây ở khu vực này gần một tuần qua. Số gỗ sau khi khai thác sẽ được chuyển về TP Đông Hà tiêu thụ.
Khi chúng tôi ngược lối mòn trở ra bìa rừng thì gặp một thanh niên vác cưa máy vào rừng. Thanh niên này nói đã vào rừng khai thác gỗ 4 ngày qua và cho biết có nhiều người dân trên địa bàn cũng vào rừng tìm cơ hội làm ăn. Nhóm của người này chia 2 khu vực khai thác. Sau khi đốn hạ hết cây, họ sẽ đốt, phát rừng để trồng cây keo lai. Ngoài nhóm này, các nhóm khác cũng đang làm như thế ở những khu rừng dọc tuyến đường mới mở.
Ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, cho hay tuyến đường Khe Van - Hướng Linh kéo dài qua rừng phòng hộ của 2 huyện Đakrông - Hướng Hóa khoảng 3 km. Hiện đơn vị này với 16 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng đang quản lý khoảng 16.000 ha rừng phân bố trên 15 xã. Ông Tý thừa nhận do địa bàn quá rộng, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên tình trạng người dân xâm phạm rừng có xảy ra.
Về việc tàn phá rừng phòng hộ nơi đang thi công tuyến đường, ông cho hay mấy ngày qua trong đơn vị có người tử vong trong khi đi tuần tra và chưa rõ nguyên nhân. Anh em trong đơn vị đang thăm viếng, tổ chức truy điệu.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu anh em bám sát địa bàn, báo cáo gấp tình trạng này với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để phối hợp chốt chặn, tuyên truyền vận động và xử lý những hành vi xâm hại đến rừng” - ông Tý nhấn mạnh.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát?
Ông Phan Văn Tiếp, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, cho biết khu vực đang thi công thuộc rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, là rừng phục hồi sau nương rẫy. Rừng 2 bên tuyến đường thuộc Ban Quản lý Hướng Hóa - Đakrông nên họ phải có trách nhiệm bảo vệ, quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, nếu có hiện tượng người dân lợi dụng vào chặt phá rừng thì sẽ bắt ngay.
Ông Tiếp nhấn mạnh: “Kiểm lâm địa bàn chưa báo cáo có phát hiện, bắt giữ vụ việc nào liên quan đến khai thác, vận chuyển gỗ rừng trên tuyến đường đó”.
Bình luận (0)