Tại hội nghị bàn cách “giải cứu” ngành chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hôm 22-5 ở tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết ngành chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều thách thức nan giải như thị trường, vốn, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật...
Lỗ khủng khiếp
Ở miền Nam, hiện giá heo hơi loại 1 chỉ dao động ở mức 37.000-39.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán vì sức tiêu thụ rất chậm nên thương lái mặc sức ép giá các chủ trại chăn nuôi. Riêng đối với heo quá lứa, nặng trên 1 tạ thì càng khó bán vì thương lái chỉ trả 32.000-33.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg.
Anh Cấn Văn Bần ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết gia đình anh đang nuôi gần 50 con heo thịt, nay đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng thương lái chỉ trả 35.000 đồng/kg, không bán thì... thôi! “Heo đến lứa thì phải bán, chứ để nuôi sao được. Mà như thế, chúng tôi cầm chắc mất ít nhất mỗi con khoảng 10 kg. Càng nuôi càng lỗ nên đành ngậm đắng nuốt cay mà bán cho xong” - anh Bần chua chát. Theo tính toán của anh Bần, người chăn nuôi phải bỏ ra 35.000 đồng để có 1 kg heo hơi; chưa kể tiền mua heo giống, thuốc thú y, tiền điện, nước và công chăm sóc trong khoảng 3,5 tháng. Vì thế, bán với giá như trên, người chăn nuôi lỗ “sặc máu”. “Nếu trong thời gian tới, giá heo không tăng thì chắc chắn chúng tôi không thể cầm cự nổi nữa và đành phải “treo” chuồng” - anh Nguyễn Văn Hậu, một người nuôi heo ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, than thở.
Bại sản vì gà
Trong khi các hộ hay chủ trại nuôi gia súc đang có nguy cơ phải “treo” chuồng hoặc giảm đàn thì những người nuôi gia cầm cũng lao đao không kém. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán gà công nghiệp tại các trang trại ở khu vực Đông Nam Bộ hiện chỉ 22.000-25.000 đồng/kg. Vậy là người nuôi gà đang cầm chắc lỗ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, giá gà công nghiệp lông trắng tuy có cao hơn so với thị trường miền Nam nhưng người nuôi gà vẫn lỗ rất nặng. Giá bán tại trang trại trong những ngày đầu tháng 6 này chỉ ở mức 28.000 đồng/kg, giảm 9.000 đồng/kg so với hồi giữa tháng 2. Đà giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Với lứa gà đầu năm nay, hộ anh Cấn Văn Luân ở xã Đông Sơn đã lỗ hơn 400 triệu đồng khi đầu tư nuôi 24.000 con gà lông trắng. Theo anh Luân, để gà tăng trọng thêm 1 kg phải thì phải mất ít nhất 2,2 kg cám. Mỗi con đến khi xuất chuồng nặng khoảng 3 kg và ăn khoảng 6,5 kg thức ăn. Giá cám hiện nay là 13.500 đồng/kg, riêng chi cho tiền cám đã hết hơn 87.000 đồng/con gà xuất chuồng. Trong khi đó, giá gà thịt hiện chỉ bán được 28.000 đồng/kg, xem như tiền bán gà chưa đủ bù tiền cám. “Nếu cộng cả tiền thuốc thú y (1.000 đồng/con), tiền giống (5.000 đồng/con) và tiền điện, chi phí nhân công... thì chắc chắn sẽ lỗ gần 10.000 đồng/kg.
Dự báo kém, làm theo cảm tính Ngành chăn nuôi nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ. Các trang trại quy mô lớn, theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến chế biến mới chỉ chiếm 25%. Vì vậy, ngành chăn nuôi không có khả năng đề kháng trước những biến động xấu của thị trường. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng người chăn nuôi và cơ quan chức năng đều đang bị động vì những dự báo và giải pháp thị trường chưa sát với thực tế. Các bộ, ngành đưa ra dự báo trên cơ sở số liệu của Tổng cục Thống kê nhưng thống kê lại chủ yếu dựa vào báo cáo từ cơ sở, ít tổ chức điều tra quy mô lớn nên nhiều khi thông tin chưa được cập nhật chính xác. “Người dân thiếu thông tin thị trường nên đành chăn nuôi theo cảm tính. Khi giá tăng thì tự phát tăng đàn, khi giá giảm dẫn đến thua lỗ thì phá bỏ chuồng trại, làm cho mất cân đối cung - cầu. Vì vậy, muốn quy hoạch tốt thì phải có dự báo tốt và đây là việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng” - ông Vang nói. |
Kỳ tới: “Chết” vì thức ăn chăn nuôi
Bình luận (0)