Những thông tin trên được nêu ra tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh heo tai xanh khu vực phía Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức ở TPHCM hôm qua, 13-8.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và các đại biểu ăn thịt heo nhằm kêu gọi mọi người không nên tẩy chay loại thực phẩm này. Ảnh: Tấn Thạnh
Thiệt hại rất lớn
Đến nay, đã có 20 tỉnh, thành công bố dịch với 448 xã (4.725 hộ) có heo bệnh, 121.115 con heo mắc bệnh trên tổng đàn 148.314 con. Trong đó, 35.657 con đã được tiêu hủy.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhiều đàn heo ở 2 huyện trong tỉnh đã mắc bệnh, được tiêu hủy nhưng với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, chỉ vài ngày nữa là toàn tỉnh có dịch.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết chỉ 20 ngày qua, dịch đã lây lan ra 30 xã của tỉnh. Đàn heo khoảng 600.000 con ở Quảng Nam sẽ khó “trụ” nổi, thiệt hại bạc tỉ là không thể tránh.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Lâm Phi, bức xúc: “Tỉnh đã công bố 6 huyện có dịch heo tai xanh nhưng đến hôm nay (13-8), chắc huyện, thị, TP nào trong tỉnh cũng đã “dính”, chỉ trừ... huyện đảo Trường Sa!”.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, nhận định sớm muộn gì TP cũng sẽ bùng phát dịch vì nguồn heo từ các địa phương tràn về quá lớn, trong đó có heo bệnh. Mười ngày qua, lấy mẫu xét nghiệm đàn heo nào cũng đều phát hiện có virus heo tai xanh với tỉ lệ cao.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến nay, ngành chăn nuôi heo ở Tiền Giang đã thiệt hại 500 tỉ đồng, chưa kể thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng bởi các dịch khác có liên quan đến heo.
Tìm vắc-xin khó như tìm thuốc trị HIV
Đại diện các địa phương cho rằng dịch heo tai xanh bùng phát dữ dội là do ngành thú y chưa làm hết trách nhiệm, không có biện pháp phòng chống hiệu quả. Dịch này không phải năm nay mới có mà đã xảy ra từ năm 2007 và 3 năm qua, năm nào cũng tái diễn.
Cho đến nay, vẫn chưa có vắc-xin tiêm phòng hiệu quả nên ngành thú y cũng không bắt buộc tiêm vắc-xin trên heo.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho rằng dịch heo tai xanh năm nào cũng xảy ra nhưng ngành thú y không có giải pháp căn cơ để giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Quang đặt vấn đề: Hiện có 3 - 4 loại vắc-xin mà sao Cục Thú y chẳng có hướng dẫn gì? Khi địa phương xin ý kiến thì cục lại bảo “tỉnh chọn loại vắc-xin nào cũng được”. Ngành thú y cứ thí nghiệm, khảo nghiệm mãi rồi lại “đá” về cho tỉnh, trong khi tỉnh đâu có tiền để khảo nghiệm!
Trước ý kiến của đại diện các địa phương, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, nhận lỗi về việc 3 năm qua, ngành thú y chưa tìm ra được vắc-xin hiệu quả để phòng, chống dịch heo tai xanh. Ông so sánh chuyện này cũng như thế giới chưa tìm ra được... thuốc trị HIV (!).
Ông Năm cũng cho rằng nguyên nhân bùng phát dịch là do công tác phát hiện dịch quá chậm. Công tác giám sát, kiểm soát còn lỏng lẻo để heo từ những vùng dịch “phân phối” khắp nơi khiến tình hình dịch bệnh thêm nghiêm trọng. Dịch bùng phát ở phía Nam là bởi heo giống được đưa từ miền Bắc, miền Trung vào. Việc công khai chính sách hỗ trợ đến người chăn nuôi cũng chậm hoặc không đầy đủ khiến họ lo lắng, “đẩy” heo ra thị trường.
Sớm công bố mức hỗ trợ
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo ngành nông nghiệp và thú y các địa phương công bố sớm mức hỗ trợ thiệt hại do dịch heo tai xanh gây ra để người dân yên tâm.
Mức hỗ trợ thống nhất là 25.000 đồng/kg, địa phương nào chi quá 50% sẽ được Chính phủ hỗ trợ, địa phương nào gặp khó khăn phải báo ngay với Trung ương để được giải quyết kịp thời. Các địa phương nhanh chóng rà soát lại tình hình để triển khai kế hoạch đối phó, đồng thời nhập khẩu vắc-xin, kể cả tổ chức khảo nghiệm nhanh từng loại vắc-xin.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát và các đại biểu đã ăn thịt heo (được chuẩn bị sẵn tại chỗ) nhằm kêu gọi người tiêu dùng không nên quay lưng với loại thực phẩm này.
Bình ổn thị trường thịt heo
Hiện giá heo hơi tại các trại ở khu vực phía Nam đang giảm mạnh, chỉ còn 20.000 đồng - 24.000 đồng/kg (dưới giá thành) khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Ngày 13-8, UBND TPHCM có công văn chỉ đạo các sở, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tập trung thu mua heo an toàn hiện có; chủ động thu mua, chế biến cũng như dự trữ để bảo đảm nguồn hàng vì nguy cơ thiếu heo sau dịch là rất cao. |
Bình luận (0)