icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngập do triều lên hay do TPHCM lún xuống?

Trung Thanh

Đường Phạm Thế Hiển hiện nay bị ngập khi mực nước ở trạm Phú An mới dâng 0,90 m, trong khi trước đây thủy triều dâng trên 1,3 m tuyến đường này mới ngập

Ngày 7-11, người dân TPHCM chứng kiến cơn triều cường dữ dội với mực nước dâng cao đến 1,47 m gây ngập sâu trên diện rộng. Nhưng so với bình thường, mực nước triều cũng chỉ lớn hơn vài cm. Vậy tại sao nhiều khu vực tại TP lại bị ngập nặng?

Mực nước dâng đột biến

Ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết: “Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên triều dâng cao ở các tỉnh thành miền Nam. TPHCM do ảnh hưởng chế độ bán triều cường nên mỗi ngày có đến hai lần bị ngập. Đợt triều này, mực nước ở Vũng Tàu cao nhất cũng chỉ đến 4,20 m (mực nước triều cao nhất trong lịch sử ở khu vực này là 4,36 m). Song tại khu vực trạm Phú An, TPHCM mực nước lại cao đột biến đến mức kỷ lục 1,47 m, cao nhất trong vòng 50 năm qua. Điều này chứng tỏ khi thủy triều vào khu vực sông Sài Gòn bị tác động bởi những nguyên nhân khác, nên mực nước dâng cao hơn so với trước đây”. Ông Giám giải thích thêm: “Năm 2000, khi mực nước ở trạm Phú An dâng cao trên 1,3 m tuyến đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8 mới bị ngập nhưng hiện nay khi mực nước mới dâng lên 0,90 m tuyến đường này đã bị ngập nước lênh láng”.

Xác định lún cục bộ

Trao đổi với chúng tôi vì sao TPHCM càng ngày càng bị ngập nặng hơn bởi triều cường, tiến sĩ Vũ Văn Nghi, Phó Chủ tịch Hội Địa chất Việt Nam, cho rằng triều cường ảnh hưởng chung đến cả một khu vực rộng chứ không riêng gì TPHCM và trong những năm qua mực triều ở khu vực Đông Nam Á không dao động đáng kể. Do đó tình trạng TPHCM ngập mỗi ngày một nghiêm trọng chứng tỏ một số khu vực có hiện tượng bị lún. Theo tiến sĩ Nghi, đây là hiện tượng lún cục bộ xảy ra ở bề mặt do ảnh hưởng bởi công trình xây dựng. “Điển hình, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị lún nên hiện nay bị ngập rất sâu”- ông Nghi nói.

img

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, hiện tại TP đã phát sinh một số điểm ngập mới ở những khu vực có dấu hiệu lún sụt. Đơn cử, tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đợt triều vừa qua đã phá vỡ nhiều đê bao, ngập sâu từ 40 đến 60 cm. Trước đó, theo phản ánh của người dân, từ khi khu vực này được lắp đặt hai trạm khoan nước ngầm thì xảy ra hiện tượng lún sụt nhà cửa lân cận. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong vùng 700 km2 phía Tây Nam TP, có dấu hiệu trồi các ống giếng khoan lên mặt đất (cao nhất là 22 cm) cho thấy mặt đất có dấu hiệu lún sụt. Một cán bộ Sở Tài nguyên –Môi trường nhận định, nếu đến năm 2020 mực nước ngầm ở TP hạ thấp 60 m cách mặt đất thì hiện tượng lún mặt đất thay đổi từ 0,77 m đến 1,8 m.

Nguy cơ cho hệ thống thoát nước TP

“Dù cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận về tình trạng lún sụt ở TPHCM nhưng thực tế, hiện nay nhiều khu vực đã bị ngập triều rất nặng. Vấn đề này đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thoát nước của TP”, thạc sĩ Hồ Long Phi, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đưa ra cảnh báo. Theo thạc sĩ Phi, hiện nay một số dự án thoát nước quan trọng ở TP chưa tính toán mực nước ngập hợp lý nên khi đưa vào hoạt động chưa chắc đã giải quyết được tình trạng ngập triều cho TP. Còn theo ông Nguyễn Minh Giám, tình trạng ngập ở TP ngày càng nghiêm trọng là do việc san lấp ao hồ làm diện tích chứa nước bị giảm xuống đáng kể.

Mực nước triều đang xuống dần

Đợt triều cường kéo dài từ ngày 3-11 tiếp tục gây ảnh hưởng đến hệ thống đê bao kênh rạch và các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn TPHCM. Bờ bao sông Rạch Gia thuộc phần đất của Công ty TNHH Tiến Phước, tổ 22, khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12 bị vỡ một đoạn dài 4 m gây ngập sâu hơn 1 m. Các tuyến bờ bao sông Sài Gòn, Vàm Thuật, rạch Bà Đương, rạch Sơ Rơ - Rỗng Tùng... cũng bị nước triều làm vỡ ở một số đoạn gây ngập trung bình 0,2 m - 0,7 m. Nhiều khu vực tại phường 7, 15 và 16 của quận 8 cũng bị ảnh hưởng nặng của nước triều. Trong đó khu vực đường Bình Đông (phường 15) bị ngập đến gần 1 m. Riêng tại các khu vực thuộc Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức không phát sinh thêm sự cố nào.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, mực nước thực đo tại các trạm Phú An, Nhà Bè cho thấy mực nước triều đang xuống dần sau khi đạt đỉnh vào các ngày 4 và 5-11 (1,48 m).

N.Triều

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo