Ngày 7-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký tờ trình gửi Quốc hội (QH) về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Rút gọn thủ tục
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ (TV) QH đã họp chốt phương án theo tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII nội dung “về việc quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” lồng ghép trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, dự kiến được thông qua chiều 10-11.
Theo đó, thay vì nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 được thông qua vào sáng 10-11, QH sẽ dành thêm thời gian thảo luận tờ trình “về việc quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” của Chính phủ để xem xét thông qua vào chiều cùng ngày.
Tờ trình cho biết trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy đã được Đảng, nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện tiếp tục gia tăng, tỉ lệ người tái nghiện còn cao.
Chính phủ đề nghị QH đồng ý với đề nghị của TP HCM là cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện để cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý (trung tâm) trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, các địa phương có số lượng lớn người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định nếu có điều kiện thì cũng được phép lập các trung tâm tương tự.
Tại cuộc họp của Ủy ban TVQH, Ủy ban Pháp luật cũng đã báo cáo việc thẩm tra sơ bộ tờ trình của Chính phủ. Theo đó, có 2 luồng ý kiến đề nghị ban hành nghị quyết riêng hoặc lồng ghép trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 để thí điểm ở TP HCM; tuy nhiên, cũng có ý kiến không thí điểm và áp dụng trên toàn quốc.
Ủy ban TVQH đã thống nhất giao Chính phủ sửa Nghị định số 221/2013 - Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; sớm có hướng dẫn tạm thời hoạt động của trung tâm. Đồng thời, TAND Tối cao tính toán rút gọn thủ tục đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Hai trung tâm đáp ứng 2.000 người nghiện
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định: “Sự quyết tâm, quan tâm của QH, Ủy ban TVQH và Thủ tướng Chính phủ đối với giải pháp cho vấn đề cai nghiện ở TP HCM không chỉ là tin vui của chính quyền và người dân TP mà còn nhiều địa phương khác”.
Ông Thuận cho biết TP HCM đã xây dựng đề án Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú (đề án). Theo đề án, thành lập 2 trung tâm tiếp nhận khoảng 2.000 người nghiện ma túy cùng một thời điểm trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật. Đó là Trung tâm Bình Triệu có năng lực tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân và Trung tâm Nhị Xuân (do Thanh niên Xung phòng quản lý) tiếp nhận 1.500 người nghiện. “Sau khi cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý tại 2 trung tâm này và hoàn tất thủ tục hồ sơ thì người nghiện sẽ được đưa vào 12 trường cai nghiện tập trung đáp ứng được khoảng 20.000 bệnh nhân. Toàn bộ kinh phí, con người và cơ sở vật chất do thành phố lo” - ông Thuận nói.
Nhiều địa phương linh hoạt ứng phó
Theo tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, một số địa phương đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp. TP Hà Nội đã tiến hành sắp xếp, chuyển đổi các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động - xã hội theo hướng tự nguyện, đồng thời vận động người nghiện vào trung tâm cai nghiện, kết hợp đẩy mạnh điều trị bằng Methadone.
Ngoài việc có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, qua đó rút ngắn thời gian lập hồ sơ, TP Đà Nẵng cũng đã lập cơ sở xã hội để quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bình luận (0)