Một ngày đầu tháng 8, GS Hoàng Như Mai và tôi đến thăm GS Trần Văn Giàu. Giữa mùa mưa mà trời cao xanh vời vợi. Mấy năm nay, thầy không còn ở đường Phạm Ngọc Thạch suốt ngày ầm ào động cơ xe cộ, mà chuyển về một căn nhà trong hẻm rộng đường Lý Thường Kiệt, thoáng sáng và khá nhiều sắc màu dịu nhẹ của hoa lá. Thầy ngồi đó, trong phòng khách trên lầu, ít đi lại vì chân đau, tươi cười đón khách. Nhìn sắc diện hồng hào, đôi mắt tinh sáng của thầy, chúng tôi mừng. Ngó đến cuốn sách bìa cứng dày cộp và cây bút thầy cầm trên tay, tôi thầm nể phục. Ở tuổi 95, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu vẫn là tấm gương sáng về tinh thần lao động khoa học, đáng để các thế hệ hậu sinh noi theo, học hỏi.
“Những ngày này, chắc anh Sáu (tên gọi thân mật GS Trần Văn Giàu) nghĩ nhiều đến ngày 25-8 của 60 năm trước?”. Câu gợi ý tinh tế của GS Hoàng Như Mai như trúng với nguồn cảm xúc của thầy khiến thầy sôi nổi, linh hoạt hẳn lên. Phần lớn thời gian của buổi sáng đẹp trời đó đã xoay quanh câu chuyện lịch sử: Ngày khởi nghĩa của Sài Gòn và rộng ra là của Nam Bộ, do chính vị tư lệnh của lực lượng cách mạng hồi đó - Trần Văn Giàu - kể lại.
Thời cơ khởi nghĩa đã đến
GS Trần Văn Giàu |
GS Trần Văn Giàu cho biết: Xứ ủy Nam kỳ tổ chức họp ở Chợ Đệm (Tân An) từ trung tuần tháng 8. Căn cứ vào những biến động dữ dội của tình hình trong nước và trên thế giới, thầy đề nghị phát động khởi nghĩa vào ngày 17-8. Ý kiến này không thuyết phục được số đông đại biểu. Tổn thất nặng nề của Nam kỳ khởi nghĩa mấy năm trước khiến mọi người phải dè dặt cân nhắc.
Tối 19-8, người của cách mạng cài trong hàng ngũ địch bí mật báo ra: Hà Nội đã hành động và đã thành công. Lập tức, thầy triệu tập họp tiếp hội nghị xứ ủy mở rộng ngay ngày 20-8. Với tư cách bí thư, thầy đề nghị xứ ủy cho phép cử 2 đồng chí bí thư và phó bí thư Tỉnh ủy Tân An đang dự họp về chỉ đạo khởi nghĩa ở địa phương. Tân An là cửa ngõ phía Nam của Sài Gòn, phong trào khá mạnh. Nếu thành công ở đây, sẽ tạo đà rất tốt cho Sài Gòn cũng như cho các địa phương khác.
Ngày 22-8, Tân An khởi nghĩa và giành thắng lợi gọn gàng, nhanh chóng. Hội nghị hoàn toàn nhất trí: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, phải hành động!
Gặp tư lệnh quân đội Nhật
Lúc này, riêng ở Sài Gòn, Nhật có tới 30.000 quân tinh nhuệ. Nếu không vô hiệu hóa lực lượng này, cuộc khởi nghĩa sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Ngày 23-8, xứ ủy quyết định cử một đoàn đại biểu 3 người, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu đến gặp tư lệnh quân đội Nhật. Việc đầu tiên, đoàn thay mặt nhân dân Sài Gòn chia buồn với ông ta về thảm họa Hiroshima và Nagasaki mà nhân dân Nhật phải hứng chịu. Viên tư lệnh đó đã khóc và cám ơn.
Sau đó, đoàn cho ông ta biết nhân dân Sài Gòn sẽ khởi nghĩa giành chính quyền và yêu cầu hai điều: Quân đội Nhật không can thiệp và giao vũ khí cho lực lượng cách mạng. Yêu cầu thứ nhất, họ đồng ý. Yêu cầu thứ hai, họ không chấp thuận. Dù Nhật đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện, nhưng họ chỉ có thể giao súng đạn khi có chỉ thị của Nhật hoàng.
Đêm 24-8, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố
Mọi người khẩn trương trở về địa phương để chuẩn bị lực lượng, xúc tiến khởi nghĩa. Đêm đó, tại Sài Gòn, lực lượng cách mạng đã tiến chiếm dinh khâm sai và các cơ quan trọng yếu. Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm đi dự tiệc ở đâu đó, tối về, ô tô qua cổng dinh, ông ta ngỡ ngàng vì cờ quẻ ly đã bị hạ xuống và cờ đỏ sao vàng được kéo lên tự bao giờ.
Sáng tinh mơ 25-8, Sài Gòn tràn ngập chiến sĩ cách mạng và “những người dân mộ nghĩa”. Hơn 1 triệu người hầu hết có võ trang thô sơ, chủ yếu là dao, kiếm, gậy gộc. Súng cũng có, nhưng không đáng kể. Đoàn người trải dài từ dinh Nôrôđôm đến Thảo Cầm Viên, từ nhà thờ Đức Bà đến chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Trần Hưng Đạo. Cuộc biểu tình cướp chính quyền thành công. Riêng Nguyễn Văn Sâm được ta đưa vào tạm quản thúc trong một phòng của dinh khâm sai. Ít ngày sau, ông ta được trả tự do.
Trước trùng trùng đội ngũ nhân dân đang hân hoan tổ chức bầu Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ (lúc đó gọi là Lâm ủy Hành chánh), Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn chủ trì, đồng chí Phạm Ngọc Thạch (lãnh tụ Thanh niên Tiền phong) dõng dạc đọc tên từng người được dự kiến. Đó là những chiến sĩ cách mạng rất nổi tiếng, những trí thức rất có uy tín, tất cả đều không xa lạ gì với nhân dân Sài Gòn. Vì vậy, danh sách được tất cả hoan hô vang dội và thông qua nhanh chóng.
GS Trần Văn Giàu được cử làm chủ tịch ủy ban
Suốt ngày và đêm 25-8, lực lượng cách mạng khổng lồ đó đã tuần hành biểu dương lực lượng trên các đường phố Sài Gòn. Quân Nhật, như lời tuyên bố của viên tư lệnh, đã khoanh tay chứng kiến. Không một tiếng súng. Không có tổn thất về sinh mạng, kể cả của hai phía. Những ngày này, liên lạc thông tin giữa Hà Nội và Sài Gòn rất khó khăn, đứt nối phập phù. Vì vậy, Nghị quyết của Đại hội Quốc dân Tân Trào, Xứ ủy Nam kỳ mãi sau này mới biết. Việc quyết định khởi nghĩa hoàn toàn dựa trên sự phân tích, nhận định tình hình và bằng vào nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm rất cao của xứ ủy.
Nam Bộ thiếu thông tin liên lạc đến mức không ai biết bài ca cách mạng được sử dụng trong những ngày long trời chuyển đất này là gì. Do đó, thay vì hát Tiến quân ca, GS Trần Văn Giàu cho cử Quốc tế ca. Một quyết định linh hoạt, hợp lý!
Từ Sài Gòn, làn sóng biểu tình vũ trang khởi nghĩa lan tỏa rất nhanh đến toàn lục tỉnh Nam kỳ. Riêng Hà Tiên ít nhiều gặp khó khăn, nhưng khi có sự chi viện của Long Xuyên, Châu Đốc, việc giành chính quyền cũng được giải quyết thắng lợi.
Bình luận (0)