Mới 17 giờ chiều. Dòng người đông đúc từ khắp các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đổ về trước tượng đài Bác Tôn (khu Công viên Hai Bà Trưng) để tham dự lễ khai mạc Mekong Festival 2006. Bởi lẽ, không chỉ người dân An Giang, mà tất cả người dân trong khu vực đều đón nhận và kỳ vọng rất nhiều vào cuộc liên hoan này.
Nhiều hoạt động du lịch, văn hóa - thể thao đặc sắc
Đúng 20 giờ, lễ khai mạc liên hoan chính thức diễn ra bằng một chương trình sân khấu hóa được xây dựng hết sức công phu và hoành tráng, với sự tham gia của trên 1.000 diễn viên, nghệ nhân. Phía 2 sân khấu chính của lễ hội là lòng hồ Nguyễn Du (TP Long Xuyên) và Công viên 30/4 (thị xã Châu Đốc) cũng đồng loạt diễn ra đêm ca múa nhạc thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của 4 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm).
Trước đó, vào lúc 12 giờ cùng ngày, tại TP Long Xuyên đã diễn ra chặng đua cuối cùng và phát giải thưởng cuộc đua xe đạp “Về nông thôn An Giang”. Đoàn đua đi qua các địa phương: Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Campuchia và kết thúc tại TP Long Xuyên (An Giang). Ngoài ra, trong quá trình diễn ra liên hoan, một số hoạt động văn hóa, du lịch ẩm thực và thể thao đặc sắc được diễn ra, như: Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch duyên dáng”; đua thuyền rồng; hội thi “Ẩm thực miền vườn sông nước Nam Bộ”; hội thảo “Tiềm năng và sản phẩm du lịch sông nước Cửu Long”...
Liên kết để phát triển
So với cuộc liên hoan lần thứ nhất tổ chức tại Cần Thơ, lần này, cùng với 45 gian hàng của ngành du lịch TPHCM và Bình Thuận, tất cả các tỉnh, TP trong khu vực ĐBSCL đều tham gia (130 gian hàng) trưng bày và giới thiệu những tour, những sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương mình tại hội chợ triển lãm du lịch khai mạc vào buổi sáng cùng ngày.
Một trong những điểm yếu lớn nhất làm hạn chế tốc độ phát triển của ngành du lịch ĐBSCL trong thời gian vừa qua đó là việc các địa phương có hiện tượng “sao chép” lẫn nhau. Chẳng hạn như chỉ có một tour tham quan chợ nổi nhưng hầu như tỉnh, thành nào cũng làm, gây nên cảm giác nhàm chán đối với du khách. Còn về sản phẩm phục vụ du lịch (quà lưu niệm) thì hầu như không địa phương nào tìm đâu ra những sản phẩm đặc thù cho riêng mình. Có lẽ nhận thức được mặt tồn tại này, nên đến với Mekong Festival 2006, ngành du lịch các tỉnh, thành trong khu vực đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm những nét đặc thù, đặc sắc của mình để giới thiệu với du khách và đối tác. Là đơn vị đăng cai tổ chức, bên cạnh việc giới thiệu đến du khách những tour du lịch thế mạnh của địa phương, như: Viếng Bà Chúa Xứ; tham quan núi Cấm, núi Sam; tour “ăn ngủ cùng dân” (Homestay)... lần đầu tiên ngành du lịch An Giang giới thiệu rộng rãi đến du khách một gian hàng tranh lưu niệm được làm từ nguyên liệu ngay trên đất An Giang: tranh thốt nốt.
Ngành du lịch Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang... cũng mang đến liên hoan những sản phẩm du lịch mới lạ được làm từ dừa, da cá sấu, trái sim rừng, vỏ của một số loài sinh vật biển... Đặc biệt, lần đầu tiên đại diện nước bạn Campuchia là ngành du lịch TP Phnom Penh giới thiệu đến liên hoan những tour du lịch tham quan chùa chiền vô cùng hấp dẫn. Đây cũng là dịp để ngành du lịch ĐBSCL mở rộng thị trường tiềm năng, gắn kết với Campuchia. Tại lễ hội này, Vinacafe tham dự với tư cách nhà đồng tài trợ. Ông Phạm Quang Vũ, Phó Tổng Giám đốc Vinacafe cho biết, tổng công ty muốn góp phần hợp tác phát triển du lịch ở ĐBCSL. Thông qua đó, Vinacafe sẽ tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa vùng miền để cho ra đời những sản phẩm phù hợp.
Bình luận (0)