Chiều 23-10, gia đình đã đưa Huỳnh Văn Nén (53 tuổi; người bị kết tội 2 án giết người, trong đó có một án chung thân) đến trình báo chính quyền. Trước đó, ngày 22-10, chị gái ông Nén là bà Huỳnh Kim Ngân cùng chồng là ông Huỳnh Trung Nghĩa (ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã cùng điều tra viên của Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận ký vào biên bản giao nhận người được bảo lãnh đối với bị can Nén sau 17 năm 5 tháng thụ án. Biên bản ghi rõ tình trạng sức khỏe bị can bình thường. Biên bản này được lập căn cứ vào quyết định cho bảo lãnh do đại tá Cao Đăng Nguyên, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ký.
Không cần thiết tiếp tục tạm giam
Bà Ngân cho biết sáng 22-10, bà và chồng đã thay mặt gia đình viết đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận và VKSND tỉnh Bình Thuận xin bảo lãnh cho Nén. Sở dĩ có việc viết đơn này, theo ông Nghĩa, là do lãnh đạo CQĐT trước đó cho biết nếu gia đình có nguyện vọng thì làm đơn và sẽ tạo điều kiện. Đơn của vợ chồng bà Ngân nêu rõ đầu năm 2015, gia đình đã làm đơn bảo lãnh cho Nén tại ngoại để chữa bệnh nhưng không được chấp nhận.
Theo Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận Dương Xuân Sơn, cơ quan này có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can Huỳnh Văn Nén là do xét thấy bị can đang bị bệnh và không cần thiết tiếp tục tạm giam nên CQĐT có văn bản đề nghị và VKSND tỉnh Bình Thuận hủy bỏ biện pháp tạm giam để cho gia đình bảo lãnh theo quy định tại điều 22 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Tuy nhiên, khi cơ quan tiến hành tố tụng có giấy triệu tập, bị can phải có mặt đúng quy định.
Muốn thăm mẹ nhưng mẹ đã qua đời
Vừa bước ra khỏi trại tạm giam, ông Nén ôm chầm lấy chị và người đã kiên trì suốt 17 năm cùng gia đình bị can này đi kêu oan là ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh).
Những câu đầu tiên ông Nén nói khi vừa bước ra khỏi trại tạm giam là muốn chạy về nhà thăm cha mẹ và vợ con, trong khi mẹ ông đã qua đời vào năm 2014. Tối cùng ngày, gia đình đã đưa ông Nén đến Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để khám mắt. Kết quả cho thấy mắt phải bị cườm rất nặng nhưng theo các bác sĩ thì vẫn có thể giải phẫu làm sáng mắt. BS Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện An Phước, cho biết sẽ mổ mắt và chữa bệnh miễn phí cho ông Nén.
Kể cho mọi người và với rất đông nhà báo, ông Nén cho biết được đưa về Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận vào ngày 16-1-2015 và từ đó đến nay được các điều tra viên đối xử rất tốt.
24 giờ cùng ngày, Huỳnh Văn Nén đã được đưa về đến nhà tại xã Tân Minh trong tràn ngập niềm vui của làng xóm, thân thích. Ông Huỳnh Văn Truyện từ Cà Mau nghe tin cũng đã kịp về ôm chầm đứa con mà ông phải bao năm bươn chải đi khắp nơi kêu oan.
Trước đó, ngày 3-9-2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận có thông báo do thủ trưởng cơ quan này là đại tá Phạm Thật ký, thông báo gia hạn thời hạn điều tra và tạm giam bị can. Theo đó, cơ quan này đang thụ lý vụ án Huỳnh Văn Nén can tội “Giết người” và “Cướp tài sản công dân” theo Quyết định giám đốc thẩm số 64/HS-GĐT ngày 12-11-2014 của TAND Tối cao. Thông báo cũng cho biết ngày 24-8-2015, VKSND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 09/QĐ/KSĐT/VKS-P1A gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ hai trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày 8-9-2015 đến 8-1-2016; đồng thời ngày 1-9-2015, có Quyết định số 01/QĐ/KSĐT/VKS-P2 gia hạn tạm giam lần thứ hai trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày 3-9 đến ngày 31-12-2015 đối với bị can Huỳnh Văn Nén.
Ngày ấy... bắt đầu từ hôm nay
Tôi đã hơn 15 năm đồng hành cùng với ông Huỳnh Văn Truyện đi kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Hy vọng rồi tuyệt vọng, buồn vui lẫn lộn. Đôi lúc cùng ngồi bên nhau với ly cà phê hoặc ly trà để cùng chia sẻ, trên khuôn mặt ông Truyện lúc nào cũng biểu hiện sự trầm tư với nỗi buồn u uất nhưng vẫn toát lên sự cương nghị với lòng tự tin để “mơ về nơi xa ấy”. Ước mơ tưởng chừng như ảo tưởng, không bao giờ có được, để có một ngày ông và gia đình dang rộng vòng tay ôm lấy Huỳnh Văn Nén trở về đoàn tụ với gia đình sau gần 18 năm thụ án tù chung thân. Và ngày ấy... đã bắt đầu từ hôm nay.
Nguyễn Thận
(Nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)
VKSND Tối cao đang giám sát
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 23-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết vụ án liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận), Bộ Công an vẫn đang điều tra, làm rõ. “Họ đang làm tích cực đấy và tôi thấy là hiệu quả” - ông Bình nói.
Như Báo Người Lao Động thông tin, đêm 23-4-1998, bà Lê Thị Bông (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết và Huỳnh Văn Nén bị xác định là thủ phạm, bị phạt tù chung thân với 2 tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản”. Tháng 11-2014, Tòa Hình sự TAND Tối cao tuyên hủy phần quyết định đối với Huỳnh Văn Nén về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và tổng hợp hình phạt trong bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại. Th.Dũng
Cần đình chỉ vụ án
Luật sư Trần Vũ Hải, người tham gia ngay từ đầu trong việc bào chữa cho bị can Huỳnh Văn Nén, cho biết ông cùng các luật sư bào chữa cho Huỳnh Văn Nén đã 2 lần làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận và VKSND tỉnh Bình Thuận về việc kiến nghị khẩn cấp đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông Huỳnh Văn Nén.
Sở dĩ có việc này, ông Hải giải thích là vì Quyết định giám đốc thẩm số 64/HS - GĐT ngày 12-11-2014 của Tòa Hình sự, TAND Tối cao đã hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST ngày 31-8- 2000 của TAND tỉnh Bình Thuận để điều tra lại theo thủ tục chung. Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các luật sư và gia đình bị can đã có đơn xin bảo lãnh cho ông Nén tại ngoại, đoàn tụ với gia đình nhân dịp Tết Nguyên đán sau gần 17 năm tù nhưng Cơ quan CSĐT trả lời bằng văn bản từ chối.
Quá trình điều tra lại vụ án, các luật sư đã tham dự đầy đủ các buổi hỏi cung và nhận thấy thời hạn điều tra theo quy định đã hết và CSĐT không làm rõ được các yêu cầu điều tra lại, hiện trường vụ án không còn dấu vết để khám nghiệm, thực nghiệm điều tra và những vết tích trên thân thể nạn nhân nay cũng không thể làm rõ được theo những yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm. Ngày 8-5-2015 là hết thời hạn điều tra vụ án, theo quyết định điều tra lại vụ án và pháp luật tố tụng hình sự.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, bà Lê Thị Bông bị giết và bị cướp tài sản vào tối 23-4-1998. Ngày 17-5-1998, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận bắt Huỳnh Văn Nén. Tại CQĐT, Nén có nhiều lời khai và tự khai, trong đó các lời khai và tự khai từ ngày 2-6-1998 về sau Nén nhận đã giết bà Bông. Khi xét xử sơ thẩm, tòa án chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo là chứng cứ kết tội bị cáo, trong khi các lời khai nhận tội của bị cáo liên tục thay đổi, có nhiều mâu thuẫn. Có lời khai nhận tội, có lời khai không nhận tội và các lời khai nhận tội cũng không phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường cũng như biên bản khám nghiệm tử thi, mâu thuẫn với các lời khai của chị Phạm Thị Hồng (con gái của bà Bông) và lời khai của người làm chứng… Đồng thời, còn có nhiều vấn đề mâu thuẫn mà các luật sư đã cung cấp cho CQĐT nhưng chưa được điều tra làm rõ.
Về cách thức giết bà Bông, lời khai của Nén có nhiều mâu thuẫn nhưng cũng chưa được điều tra làm rõ. Do đó, cần phải điều tra làm rõ lời khai của Nén có phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường hay không? Tại sao lại có những mâu thuẫn trong các lời khai như vậy?
Quá trình điều tra lại, CQĐT không làm rõ được những vấn đề nêu trên, không có thêm bằng chứng nào kết tội bị can ngoài những lời khai đầy mâu thuẫn của Huỳnh Văn Nén trước đây mà nay bị can phủ nhận. Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc cho bị can tại ngoại mà cần đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén và trả tự do ngay khi hết thời hạn điều tra lại là việc cần thiết.
Bình luận (0)