Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10-11, 625 hồ đập trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước, trong đó, một số hồ đập rơi vào tình trạng báo động về mức độ an toàn.
Hầu hết hồ xả tràn tự do
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, các hồ Đòn Húng, Kẻ Sặt, Khe Làng do đợt mưa lũ đã phải mở tràn sự cố khiến thân đập yếu. Vì vậy, phải có biện pháp di dời dân, bảo vệ tài sản cho vùng hạ du khi có mưa bão. Các hồ Nhà Trò, Cửa Ông, Hồ Thành, Khe Xiêm, Khe Lau, Khe Là, Trường Thọ có đập yếu, thân đập xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước, tuy đã xử lý tạm thời nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện, xử lý kịp thời khi có sự cố.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, hầu hết các hồ đập nhỏ đã xuống cấp. Trong số 345 hồ chứa nước trên địa bàn, chỉ có 5 hồ có thể chủ động điều tiết nước sớm trước khi mưa, lũ lớn xảy ra, còn lại đều ở dạng tràn tự do. Đây là một trong những nguy cơ vỡ các hồ chứa khi có mưa lũ.
Nhiều vụ vỡ hồ
Liên tiếp trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều vụ vỡ hồ đập gây thiệt hại nặng cho người dân.
Tại Hà Tĩnh, vụ vỡ đập Z20 (huyện Hương Khê) vào năm 2009; vỡ đập Khe Mơ (huyện Hương Sơn), sự cố đập Hố Hô (huyện Hương Khê) vào tháng 10-2010 đã khiến hàng chục ngàn ngôi nhà của người dân chìm trong biển nước.
Ở Nghệ An, vụ vỡ đập Tây Nguyên (huyện Quỳnh Lưu) vào tháng 9-2012 khiến nhiều tài sản của người dân trôi theo nước lũ. Mới đây nhất là ngày 16-10, do mưa lớn, đập thủy lợi Cồn Đẻn (dung tích 7.000 m3) và đập Phốp (dung tích 18.000 m3) cùng ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đã bị vỡ khiến nhiều nhà dân bị nhấn chìm trong biển nước.
Thiệt hại lớn nhất do các quả “bom nước” gây ra tại Nghệ An trong thời gian gần đây là vụ hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) bất ngờ xả lũ vào đêm 30-9 và rạng sáng 1-10 khiến trên 20.000 hộ dân ở đây bị ngập, tài sản trị giá trên 800 tỉ đồng bị nước lũ cuốn trôi, hàng ngàn người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Lý giải về việc phải mở 5 cửa hồ Vực Mấu xả lũ, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, biện minh: “Mưa to quá, nếu như không xả lũ sẽ vỡ đập, mà vỡ đập thì hậu quả sẽ nặng nề hơn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, cho biết: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có 2 hồ có tràn xả sâu (hồ Vực Mấu, hồ Sông Sào), các hồ còn lại đều xả tràn tự do. Hiện mực nước các hồ đập ở đây đều ở mức cao, để bảo đảm an toàn cho các hồ đập, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý có kế hoạch xả lũ hợp lý, kịp thời đồng thời tổ chức các lực lượng ứng trực thường xuyên để xử lý các tình huống xấu xảy ra do mưa lũ”.
Bình luận (0)