Cải lương là một thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc. Nó vừa giữ gìn dòng âm nhạc truyền thống (nhạc cung đình Huế) vừa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng ở thời đại mới (kịch nói của phương Tây), lại kết hợp được với thể loại sân khấu cổ truyền (hát bộ).
Bởi vậy, cải lương mang vẻ đẹp của kịch bản (cái sườn nội dung) ở văn minh phương Tây, cùng với tiếng hát và điệu bộ diễn tả (vũ đạo) của truyền thống dân tộc. Trong đó, phần truyền thống đóng vai trò quyết định vì từ cách hát, ngôn từ, điệu bộ đến tuồng tích đều gắn chặt với quá trình dựng, giữ nước và sáng tạo, tiếp thu các hình thức văn hóa.
Tuồng tích lịch sử
Từ khi ra đời đến nay, cải lương luôn lấy nội dung đấu tranh giải phóng dân tộc, miêu tả đời sống sinh hoạt của cha ông làm một trong những đề tài quan trọng trong sáng tác. Có giai đoạn, các vở cải lương, các bản vọng cổ trở thành vũ khí đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, đồng thời kêu gọi sự thức tỉnh, sự chuyển biến ý thức về vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc.
Những vở Tiếng trống Mê Linh, Nhụy Kiều tướng quân, Thái hậu Dương Vân Nga... đã trở thành bất hủ, cũng như vở Lấp sông Gianh với tiếng nổ khủng bố dưới chế độ Ngô Đình đã tạo nên tiếng vang lớn vượt ra bên ngoài sân khấu thuần túy, cùng với các phong trào đòi hiệp thương, thống nhất đất nước khác đã thể hiện sự sôi sục của quần chúng đương thời. Một số bản vọng cổ cũng có ý nghĩa lịch sử như Tiếng trống Thăng Long thành nói về cái chết của Tổng đốc Hoàng Diệu, Tâm sự Yến phi nói về hành vi “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh...
Cải lương có ý nghĩa hướng thiện
Trừ một bộ phận nhỏ cải lương có nội dung câu khách, lệch lạc tư tưởng (nhất là trước năm 1975), còn lại tuyệt đại đa số có nội dung tích cực, thường hướng người nghe, người xem đến tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh thần tương thân tương ái thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn. Các tuồng, dù lấy tích cũ của Trung Quốc, nội dung vẫn hướng người ta đến những điều tốt đẹp, phù hợp với truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. V
ở San hậu chẳng hạn, nội dung đề cao tính khí tiết, tinh thần vì quốc gia dân tộc; vở Bên cầu dệt lụa ca ngợi tình yêu chân chính, chống cường quyền và nêu lên giá trị đích thực của con người; vở Lưu Bình - Dương Lễ ca ngợi tình bạn thủy chung, tình yêu son sắt... Các bản vọng cổ càng dễ dàng nêu bật nội dung này vì tính ngắn, gọn, dễ nhớ với Tần Quỳnh khóc bạn ca ngợi tình cảm bạn bè; Tiếng độc huyền cầm trên bắc Cần Thơ gợi tinh thần nhân ái; Con gái của mẹ nhắc nhở luân lý...
Bảo vệ bản sắc dân tộc
Những năm 1960, cùng với sự nô dịch về quân sự, sự ảnh hưởng tiêu cực của cái gọi là văn hóa Mỹ với chủ nghĩa hiện sinh đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Những từ “lai căng”, “mất gốc”, “vong bản”... được sử dụng rất nhiều trong lúc này và cũng có rất nhiều hoạt động trong phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc được thực hiện một cách rộng rãi. Trong sân khấu cải lương, một số vở đã phản ánh được tinh thần này, là lời cảnh tỉnh những người đang ở bờ vực vong bản, như Sân khấu về khuya, Tuyệt tình ca, Nước biển mưa nguồn, Con cò trắng...
Các bản ca cổ cũng tham gia rất tích cực vào nội dung này với Rước tình về với quê hương, Lý ngựa ô, Đám cưới đầu xuân...; một số bản còn mô tả đời sống xã hội của Việt Nam trước đây như là một cách kêu gọi giữ gìn nguồn cội như Trăng sáng vườn chè, Trầu cau...
Tóm lại, dù trải qua những bước thăng trầm, cải lương nói chung đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống dân tộc, hướng mọi người đến những điều tốt đẹp. Do đó, nghe (và xem) cải lương vào thời điểm nào cũng có ý nghĩa giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống quý báu của cha ông ta. Đó là điều quan trọng để duy trì giá trị của cải lương và giúp cải lương sống mãi với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một cách để giáo dục lịch sử nước nhà.
Bình luận (0)