“Trước khi gặp đối tác, mình phải nắm thật rõ mục tiêu, biết các thông tin cần thiết về họ. Một điều quan trọng không kém là chuẩn bị kỹ thao tác tại cuộc gặp, trù tính những tình huống bất ngờ” - ông Nguyễn Tâm Chiến bày tỏ.
Tai nạn nghề nghiệp
Ông Chiến được phong hàm đại sứ đợt đầu tiên vào năm 2000. Ông là đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 1992 đến 1995, đại sứ tại Mỹ giai đoạn 2001 - 2007, trợ lý bộ trưởng rồi thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Nhớ lại những kỷ niệm trong khoảng thời gian làm ngoại giao ở Mỹ, ông Chiến không thể quên một “tai nạn nghề nghiệp” không đáng có. Hôm đó, một đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sang thăm Mỹ và có cuộc hẹn gặp thượng nghị sĩ John McCaine. Tuy nhiên, đến phút cuối, văn phòng của John McCaine thông báo ông chỉ có thời gian dành cho cuộc gặp 10 phút, lại ở một vị trí khác.
“Rơi vào tình huống dở khóc dở cười như vậy, đòi hỏi phải rất linh hoạt để xử lý. Lúc đó, tôi cảm thấy mình như đứng giữa hai “làn đạn” và rất dễ trúng nhầm mà… “chết”, còn nếu thoát được thì quả thật là có phép mầu. Tôi cứ phải theo phương châm rút kinh nghiệm qua từng việc để nâng dần kỹ năng và trưởng thành hơn” - ông Chiến nhớ lại.
Ông Chiến hiện là Chủ tịch Hội Việt - Mỹ nhiệm kỳ 2012-2017. Theo ông, làm ngoại giao là phải hiểu văn hóa của mình, của người, đồng thời cũng phải biết ứng xử nhanh và kịp thời. Trong thời gian ở Mỹ, ông Chiến còn trải qua tình huống “giữa hai làn đạn” một lần nữa khi cùng đoàn đại biểu Việt Nam gặp một hạ nghị sĩ bang Florida ở miền Nam nước này.
Ở Mỹ, các nghị sĩ chỉ tiếp khách tối đa 20 - 30 phút, đôi khi còn ngắn hơn. Trong khi vị trưởng đoàn ta cứ nói “vòng vo tam quốc” những câu khuôn sáo về “tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước”, “thúc đẩy phát triển đi vào chiều sâu” thì ông nghị Mỹ hỏi độp luôn: Theo Hiệp định BTA ký giữa hai nước, thuế suất của Việt Nam đánh vào mặt hàng đường xuất khẩu là bao nhiêu? Cả đoàn ta “ớ” ra vì chưa chuẩn bị câu trả lời, lại chưa tìm hiểu trước đường là thế mạnh của bang Florida, nơi ông hạ nghị sĩ làm đại biểu.
Ông Chiến chỉ còn biết chữa cháy bằng cách nói vòng vo, câu dầm với mục đích đánh trống lảng. Tuy nhiên, cuộc gặp quá ngắn ngủi đến mức ông không thể nói rõ được nguyện vọng của mình. Sau cuộc gặp đó, ông cảm thấy mệt mỏi rã rời.
“Chuyện này cho thấy sự khác biệt văn hóa Đông – Tây. Người phương Đông coi trọng những lời hay ý đẹp mang tính xã giao theo kiểu “duy tình”, còn người phương Tây, nhất là Mỹ, lại “duy lý”, luôn chú trọng nội dung thiết thực, cụ thể. Có lẽ vì thế mà họ giàu lên nhanh chăng? Điều đáng trách là trước cuộc gặp, chúng tôi không chịu tìm hiểu rõ xem địa phương ấy, nghị sĩ ấy có gì, quan tâm điều gì ở ta” - ông Chiến thừa nhận.
Theo ông Chiến, máu kinh doanh đã thấm sâu vào từng nếp nghĩ và cách sống của nhiều người Mỹ. “Về tình cảm quê hương - nơi mà ta gọi là chôn nhau cắt rốn - giữa người Việt và người Mỹ cũng rất khác nhau. Với người Mỹ, ở đâu có công việc tốt, ăn nên làm ra thì đó là quê hương. Do cuộc sống bươn chải trong môi trường cạnh tranh của kinh tế thị trường nên người Mỹ di chuyển chỗ ở ít nhất 4-5 lần trong đời, dấu ấn nơi sinh thành không sâu nặng” - ông cảm nhận.
Vụ kiện nhớ đời
Vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ làm đại sứ chưa được bao lâu, ông Chiến đã “dính” ngay một vụ “đình đám” phải giải quyết: Chuyện tranh chấp thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam về bán phá giá cá da trơn vào tháng 2-2002.
Ông Chiến cho biết ngay lần đầu “ra quân”, do không hiểu về các thủ tục pháp lý và những quy định, quy chế làm ăn với Mỹ, phía ta đã mất một khoản tiền oan rất lớn, kể cả việc thuê tư vấn. “Đúng là ở đời, nhiều cái phải trả giá đắt, nhất là khi bơi chưa thạo đã phải ra biển lớn. Mỗi lần nhớ đến khoản tiền mất oan, tôi lại ấm ức” - ông Chiến hồi tưởng.
Sau cú vấp đó, đoàn Việt Nam đã tìm cách gỡ lại. Trong vụ kiện không chỉ phức tạp và mới mẻ về kinh tế mà còn nhạy cảm về chính trị trong quan hệ giữa hai nước này, ông Chiến đã phải tìm cách “lobby” thượng nghị sĩ John McCaine. Đại sứ Chiến nhờ ông John McCaine nói với các bên có trách nhiệm của Mỹ biết về vụ kiện cá tra đã gây thiệt hại thế nào đối với Việt Nam. Ông thượng nghị sĩ vốn rất có cảm tình với Việt Nam này đã làm dịu được tình hình.
“Vụ kiện đầu tiên này có giá trị về nhiều phương diện. Ngay cả Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lúc đó cũng đã dẫn trường hợp vụ kiện cá da trơn làm thí dụ điển hình cho quan hệ kinh tế bất công giữa các nước trên thế giới” - ông Chiến nhận xét. Sau vụ kiện này, con cá tra của Việt Nam đã nổi tiếng trên toàn thế giới mà ta không mất tiền cho quảng cáo. Đến nay, cá tra đã có thị trường xuất khẩu rộng rãi với kim ngạch hàng tỉ USD mỗi năm.
Người Mỹ thay đổi cách nhìn Nhiều năm sống tại Mỹ, với tư cách đại diện ngoại giao cao nhất của Việt Nam, ông Chiến đã có quá trình chiêm nghiệm lối sống và con người nước này. Có lần, nhà tỉ phú dầu lửa Nichola Rockefeller cùng một nhóm doanh nhân Mỹ đến gặp phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Los Angeles. Khi nghe đại sứ Chiến nói Việt Nam tuy chưa giỏi trên thương trường quốc tế nhưng luôn nghĩ rằng sản phẩm cuối cùng là phải kiếm ra tiền, vị này cười: “Giờ tôi mới thực sự hiểu rằng Việt Nam muốn làm ra nhiều tiền để phát triển kinh tế”. “Nghe giọng cười của nhà tỉ phú, tôi cảm nhận Hiệp định BTA đã góp phần thay đổi cách nhìn của người Mỹ về hình ảnh Việt Nam. Đối với họ, lúc đó, Việt Nam gia tăng mở cửa và buôn bán, làm ăn kinh tế với bên ngoài là một điều lạ lẫm” - ông Chiến nhận xét. |
Kỳ tới: Người phát ngôn sắc sảo
Bình luận (0)