Tiếp chúng tôi khi đang cùng 2 học trò cặm cụi vót lại mớ nan tre để tái hiện mô hình thuyền của đội hùng binh Hoàng Sa theo đơn đặt hàng của một thương gia, ông Võ Hiển Đạt, một nghệ nhân 80 tuổi ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, tự hào: “Tổ tiên tôi vốn là người từ đất liền ra đảo và đã gắn bó với Lý Sơn hàng mấy trăm năm nay, là những người khai phá vùng đất này. Hơn 10 tuổi, tôi đã được gia đình cho học chữ Nho nhưng lớn lên, tôi lại bị cuốn theo nghiệp chài lưới để thỏa chí nam nhi nơi biển cả”.
Ông Đạt cho biết trong những năm lăn lộn với sóng gió biển khơi, ông luôn đau đáu một điều: Tổ tiên mình năm xưa ra Hoàng Sa, Trường Sa bằng phương tiện gì và chúng được làm bằng chất liệu nào? “Điều đó ám ảnh tôi hàng chục năm trời. Đến khi nghỉ đi biển chuyển sang đóng thuyền buồm, tôi mới vỡ lẽ rằng cha ông ta ngày xưa đóng thuyền theo mô hình của ngư dân vùng biển Trung Bộ, chất liệu chủ yếu vẫn là gỗ và tre” - ông Đạt cho biết.
Trong các lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của những tộc họ ở Lý Sơn vào các năm 1990, năm nào ông Đạt cũng tái hiện hàng chục mô hình tàu thuyền để phục vụ lễ tế. Riêng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2008 được tổ chức rầm rộ bởi 13 họ tộc, ông được giao trọng trách phục dựng và tái hiện nguyên bản đến từng chi tiết nhỏ nhất của 2 chiếc thuyền cùng vật dụng sinh hoạt, hình nhân thế mạng của đội hùng binh năm xưa. “Tôi đã thức trắng nhiều đêm để chế tác các phiên bản sao cho thuyết phục các nhà nghiên cứu. Sau nhiều tháng miệt mài chỉnh sửa, việc tái hiện và phục chế con thuyền và những hiện vật đã hoàn thành, được các nhà chuyên môn đánh giá cao”- ông nói.
Không để mai một công việc làm sống lại lịch sử của bao lớp cha ông, hiện ông Đạt nhận kèm cặp và truyền nghề cho 2 thanh niên. Họ cũng là những người thích tìm hiểu và khám phá những hình ảnh hào hùng của tiền nhân.
Dịch nhiều tài liệu quý Là người duy nhất trên đảo Lý Sơn thông hiểu chữ Hán Nôm, những lúc rảnh rỗi, ông Đạt lại giúp viết những câu liễn, đối ở các đền thờ. Mỗi dịp Tết, nhiều người dân địa phương lại đến xin ông chữ để cầu phúc, cầu may cho gia đình mình. Ông Đạt đã có nhiều công lao trong việc tái hiện và phục dựng những hiện vật liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn; đồng thời cũng là người phát hiện và dịch không ít trang tài liệu quý tại các dòng họ trên đảo để phục vụ công việc nghiên cứu.
“Hiện chúng tôi đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận ông Võ Hiển Đạt là một trong hai nghệ nhân của tỉnh Quảng Ngãi” - ông Tạ Quy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết. |
Bình luận (0)