xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ điêu khắc lang thang

Nguyễn Nhã Tiên

Từ làng quê cổ xưa Klamath Falls tận nước Mỹ cho đến khi bước chân James Gion bước trong đền tháp cổ Mỹ Sơn tại Quảng Nam, cái không hiểu, cái bí mật mới là lý do cho mọi hành trình trôi về phía vô tận

Gọi tên hai địa chỉ, một quê xứ của người bạn từ bên kia bờ đại dương và một Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa thế giới, để tôi hình dung ra con đường in đầy dấu chân lang thang của một nghệ sĩ điêu khắc. Xưa - nay, chuyện những nhạc sĩ, thi sĩ từng nức tiếng giang hồ, tay đàn tay nải lang thang khắp mọi miền làm thơ, ca hát, nghe chẳng thấy gì làm lạ. Nhưng, một nghệ sĩ điêu khắc với hàng “núi” dụng cụ đồ đạc lỉnh kỉnh, cùng với nguyên vật liệu mang theo để gọi là vừa lang thang vừa tác nghiệp trên đường xa thì quả là chuyện lạ, ít thấy bao giờ. Huống nữa là một nhà điêu khắc người nước ngoài, lại càng hiếm hoi hơn.

Không phải đến, mà về

Ấy vậy mà James Gion, một nhà điêu khắc ở tận làng quê cổ xưa Klamath Falls thuộc tiểu bang Oregon nước Mỹ, lại lựa chọn Việt Nam để có dịp phơi mở tình yêu của mình qua từng tác phẩm nghệ thuật trên mọi nẻo đường anh đi qua. Mà nào phải một đôi lần ngẫu hứng lãng du gì đâu. Suốt từ 15 năm nay, hầu như năm nào, James cũng có mặt ở Việt Nam, chuyến đi nào cũng kéo dài vài ba tháng, có khi còn lâu hơn nữa. Lúc thì James ở Sài Gòn - Bình Dương, khi thì anh ở Đà Nẵng - Hội An, cho đến cả những vùng đất Tây Nguyên.

Có lần James Gion bảo tôi rằng: Không phải anh đến mà là anh về, Việt Nam tự bao giờ đã là quê hương tinh thần của James. Câu này, nếu là nghe từ một người nước ngoài nào đó nói ra, tôi còn ngờ ngợ hiểu đó là cách nói lấy lòng, nói xã giao. Song, với James thì tôi tin câu nói ấy xuất phát từ lòng chân thành của một tâm hồn đa cảm.

 

Nhà điêu khắc James Gion và tác giả tại Đà Nẵng
Nhà điêu khắc James Gion và tác giả tại Đà Nẵng

 

Sau nhiều lần lưu lại ở Đà Nẵng, James Gion bây giờ đã là người bạn của gia đình tôi. Nói theo cách của thi sĩ Lưu Trọng Lư trong hồi ký Nửa đêm sực tỉnh, rằng có những chuyến tàu mà hội ngộ bất ngờ ở đó thành ra cả cuộc đời. James hội ngộ với Đà Nẵng hay với Việt Nam cũng thế, chuyến tàu ấy là chuyến tàu mang tên thời chiến tranh, để rồi một năm làm lính hải quân ở Tiên Sa - Đà Nẵng vào thời đó, có ai ngờ là cái duyên cho cuộc hội ngộ bây giờ.

Trong chuyến trở về Việt Nam lần này, sau gần cả tháng bận rộn công việc ở Bình Dương, James Gion mới ra Đà Nẵng. Dù James là một nhà điêu khắc nhưng lâu nay chưa bao giờ tôi nghe anh nói về nghệ thuật điêu khắc Chăm, nhất là Mỹ Sơn - một cái khuyên son thường thấy trong sổ tay của khách du lịch.

Hóa ra, trong ký ức của James Gion còn có cả một bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng. Điều này tôi biết khi đọc được những dòng cảm tưởng của anh trong sổ tay hành trình: “Bảo tàng Chăm vào thời đó (tức thời chiến tranh) trong tôi, tất cả mọi thứ đã bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nhưng tôi vẫn cảm thấy một sợi dây kết nối với các nghệ nhân, những nhà điêu khắc đã tạc lên những nhân vật tuyệt mỹ vẫn trường tồn cả ngàn năm trước. Tôi không phải là một học giả nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự hiện diện của những linh hồn trong từng tác phẩm. Có lẽ tôi là một nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm điêu khắc truyền thần này”.

Thú thật, không biết James Gion có bị ảnh hưởng ít nhiều gì nghệ thuật điêu khắc Chăm hay không nhưng có thực chứng bàn tay tài hoa của anh thể hiện qua từng tác phẩm, mới thấu cảm được tâm hồn nghệ sĩ ấy hiện hữu phơi bày cái đẹp đến nhường nào.

Cảm xúc vỡ tràn

Lần này, James Gion quyết thưởng ngoạn Mỹ Sơn một chuyến. Cùng đi với James còn có vợ chồng người em trai David Gion của anh từ Hawaii mới sang Việt Nam và Tịnh Giang, con gái của tôi, làm hướng dẫn viên.

Thực ra, Tịnh Giang đi là đi cho có bạn chứ hướng dẫn nỗi gì! Với năng lực của mình, rồi James Gion sẽ nghe ra đền tháp Mỹ Sơn, cả gạch đá cho đến từng cây cỏ rêu xanh, nói với anh về những biến dịch in rõ dấu thời gian đi qua. Vả lại, James thì đi đâu mà chẳng lè kè cuốn tự điển dày cộm bên mình. Tôi nói với James: Giá như anh thuộc thơ Điêu tàn của thi sĩ Chế Lan Viên viết về “nước non Hời”, hay biết một ít về Kazimier Kwiatkowsky, người trùng tu di tích Mỹ Sơn, thì có khi lên đấy, cùng với những pho tượng Chăm, anh sẽ gặp những linh hồn họ ca múa ngày ngày với Mỹ Sơn như nuôi dưỡng một sự sống vĩnh hằng.

Chẳng rõ sau một ngày lang thang cổ ngoạn Mỹ Sơn, những vị thần Visnu, Siva, Dvamapala... mê hoặc James Gion một thứ thần khải đẹp đến nhường nào mà khi về Đà Nẵng, anh say sưa trò chuyện có khi giọng lạc thần, nói như một kẻ lên đồng: “Thăm thánh địa Mỹ Sơn, tôi có thể cảm nhận được linh hồn trong từng pho tượng điêu khắc Chămpa vẫn trường tồn. Mặc dù chúng đã hao mòn theo thời gian và để lại những vết sẹo do chiến tranh gây ra, điều này càng làm tăng nhận thức mạnh mẽ về linh hồn vĩnh cửu và sự bền bỉ với thời gian của những hiện thân xưa qua những pho tượng, thành cổ, cho dù vật thể của chúng đã bị xói mòn và hủy diệt. Tham quan Mỹ Sơn nhắc nhở tôi về lý do tại sao tôi muốn làm điêu khắc”.

Vâng, tôi hiểu đấy là cao trào của cung bậc cảm xúc mà mẫu nghệ sĩ kiểu James Gion chừng như chất chứa đầy trong lồng ngực, hễ có dịp là phấp phỏng vỡ tràn ra - vỡ ra trên đôi mắt đắm say thể hiện niềm ưu tư, vỡ ra trên đôi bàn tay lúc chạm trổ hay lúc nắn nót từng vụn đất sét đắp thành một nguyên mẫu nào đó. Có lẽ đấy mới là thứ ngôn ngữ mà James thể hiện rõ nhất.

Tôi thường không gọi James Gion là một điêu khắc gia, hay đơn giản thông thường như người ta nói là một nhà điêu khắc. James chả có nhà có trại gì hết, anh là một nghệ sĩ điêu khắc lang thang. Với James, nghệ thuật là con đường, anh gieo trên con đường đó những giấc mơ về cái đẹp. Cứ thế, qua mỗi cuộc lãng du, James đều trở về tay không, nhẹ nhàng và thanh thản cùng với nụ cười mãn nguyện tươi rói trên môi.

Trả lời tôi hay là James Gion nói với chính mình, một câu nói mà tôi đã thuộc lòng: “Yes that seems to be my fate” (Tất nhiên, dường như nó đã trở thành định mệnh). Thì... định mệnh chứ còn gì nữa, từ buổi thanh xuân bước vào Trường Đại học Oregon State đến khi cầm tấm bằng cử nhân mỹ thuật chuyên ngành điêu khắc, cho đến bây giờ, nửa thế kỷ đã trôi qua, con đường anh mở ra gieo cấy những giấc mơ vẫn không hồi kết thúc.

Mà quê xứ của James Gion, làng quê cổ xưa Klamath Falls của anh cũng là một đinh mệnh. Từ xa xưa, nó được khai sinh bên dòng sông Link, nằm bên thác nước Tiwishkeni, cũng tức là trong lòng quê xứ luôn ẩn chứa một tự nghĩa như một niềm bí mật: “Nước trôi về đâu ?”. Sẽ khó mà lý giải những điều thuộc về siêu lý. Ngay cả James Gion cũng bảo chẳng thể nào hiểu hết. Từ Klamath Falls cho đến khi bước chân James bước trong đền tháp cổ Mỹ Sơn, cái không hiểu, cái bí mật mới là lý do cho mọi hành trình trôi về phía vô tận.

 

Đi lại như giữa quê nhà

Về Đà Nẵng, James Gion đi lại như giữa quê nhà. Có lần, tôi chỉ đường cho James tự đi lấy đất sét ở nhà máy gạch tuynel Hòa Khương cách Đà Nẵng hơn 20 cây số. Vậy là anh nhảy xe buýt rồi cuốc bộ tận nơi. Rồi chẳng những xin được đất sét, James còn kết bạn với giám đốc nhà máy để từ đó thêm một địa chỉ anh tới anh về. Dường như cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của James Gion thường gắn liền với những cuộc lãng du mà mỗi quãng lặng chính là lúc tác phẩm lên tiếng nói.

 

James Gion tại thánh địa Mỹ SơnẢnh: Tịnh Giang
James Gion tại thánh địa Mỹ SơnẢnh: Tịnh Giang

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo