Hai huyện Văn Lãng và Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được xem là túi đựng hàng lậu từ Trung Quốc đổ về. Tuyến biên giới chạy dài từ cửa khẩu Tân Thanh qua Tân Mỹ đến thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có rất nhiều đường mòn, lối mở cho cánh buôn lậu vận chuyển hàng từ Trung Quốc vào.
Chặn đường này, mở đường khác
Phương thức, thủ đoạn vận chuyển hàng lậu cơ bản không thay đổi nhưng chúng hoạt động tinh vi với thái độ quyết liệt hơn. Phổ biến nhất là các chủ hàng thuê cửu vạn đi từ Việt Nam vào ban ngày rồi đến đêm tối vận chuyển hàng qua các đường mòn, lối mở ở khu vực núi hiểm trở. Cách thứ hai là các chủ hàng thuê cư dân biên giới mang, vác hàng hóa theo quy định miễn thuế của cư dân là 2 triệu đồng/người/ngày để đi qua cửa khẩu, sau đó viết hóa đơn thu gom hợp thức hóa rồi mang vào nội địa tiêu thụ.
Trong những ngày thâm nhập thực tế tại Lạng Sơn, chúng tôi đã đi qua nhiều điểm nóng mà cánh buôn lậu hay vận chuyển hàng. Đó là đường mòn biên giới khu vực gốc Bưởi, gốc Nhãn, đường mòn 386 ở khu vực Tân Mỹ, huyện Văn Lãng; khu vực Khe Thớt, thác nước (thị trấn Đồng Đăng).
Theo Hải “xồm” - một đại ca làm hàng biên có tiếng ở Lạng Sơn - sau khi lực lượng biên phòng, hải quan chốt chặn các điểm này, cánh buôn lậu đã chuyển sang các đường vòng, đường tránh với cung đường vận chuyển xa gấp nhiều lần như đường mòn 474 (khu vực Ma Mèo, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng); khe bà Đen, khe bà Lan ở thị trấn Đồng Đăng và một số đường mòn, lối mở khác thuộc huyện Lộc Bình, Đình Lập. Nếu biên phòng lập chốt chặn, ngay lập tức cánh buôn lậu sẽ phát đường mòn khác để đi. Trong khi đại ca Hải “xồm” đang giải thích với chúng tôi thì đàn em Thắng “trọc” chen ngang: “Đường biên giới thì dài, liệu lực lượng biên phòng có đủ người làm hàng rào, nắm tay nhau dọc biên để ngăn chặn nổi không?”.
Chiều cuối năm 2014, ở Ma Mèo, những đoàn xe bay phóng vun vút từ hướng Đồng Đăng lên và ngược lại. Cứ chừng 5 phút lại thấy khoảng 3 xe “bay”, mỗi chuyến chở ít nhất 2 bao tải hàng lậu từ hướng Ma Mèo lao vào một ngõ nhỏ ở khu Dây thép, thị trấn Đồng Đăng rồi mất hút. Lái xe phải cúi rạp người về phía trước, sát tay lái vì hàng nặng.
Xe “bay” vẫn cứ “ăn hàng” đều đặn. Ngoài đường, đám cửu vạn đi bộ từng tốp hoặc đi xe máy đầy đường tiến về Ma Mèo để ngược theo các đường mòn, lối mở lên núi rồi sang Trung Quốc gùi hàng.
Đủ kiểu chống đối, cướp hàng
Đại tá Từ Quốc Lệ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết các chủ hàng đa phần là người ở địa phương khác, chuyên chăn dắt đám cửu vạn và “chim lợn” buôn lậu hàng qua biên giới rồi mang vào nội địa tiêu thụ. Mỗi đầu cai chăn dắt một nhóm cửu vạn từ 10-15 người. Trước khi đi gùi hàng, cửu vạn sẽ được phát cho 1 tích-kê ghi mã số của cửu vạn, mã số hàng sẽ nhận, trọng lượng hàng.
Sau khi gùi hàng từ Trung Quốc về đến bãi tập kết ở Việt Nam, cửu vạn trình tích-kê ra sẽ được thanh toán. “Trước đây, giá thuê cửu vạn gùi hàng lậu chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg, tùy vào sức khỏe của cửu vạn để gùi từ 20-70 kg/chuyến.
Hàng hóa buôn lậu qua biên giới chủ yếu là đồ điện, điện tử, quần áo, chăn, mỹ phẩm, giày dép. Ngoài ra còn có ma túy, tiền giả, pháo các loại, đồ chơi bạo lực, điện thoại di động, rượu, thuốc lá ngoại... Do siêu lợi nhuận từ buôn hàng lậu nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, cánh vận chuyển hàng lậu đã chống đối quyết liệt. Sau khi cửu vạn vận chuyển hàng trót lọt, những chiếc xe “bay” chờ sẵn sẽ chở hàng về thị trấn Đồng Đăng và TP Lạng Sơn. Nếu lô hàng bị bắt giữ, quân của đối tượng buôn lậu sẵn sàng manh động để cướp lại dù ở trong nội địa hay trên các lối mòn dọc đường biên giới.
Theo thiếu tá Lều Minh Tiến, Phó Đồn trưởng quân sự Đồn Biên phòng Tân Thanh, đêm 29-12-2014, biên phòng phát hiện cánh buôn lậu hàng qua biên giới. Lúc đó, tại chốt chỉ có vài chiến sĩ còn cửu vạn đông đến hàng trăm. Bộ đội biên phòng lao xuống giữ hàng thì cánh vận chuyển hàng lậu đã quay lại bao vây và gây sức ép.
“Năn nỉ xin không được, họ quay sang chửi bới, lăng mạ. Nếu quân mình ít thì họ vây quanh tạo áp lực và hò nhau lao vào giật lại hàng. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho anh em, chúng tôi không còn cách nào khác đành phải để họ lấy hàng đi” - thiếu tá Tiến kể.
“Chim lợn” có rất nhiều mánh khóe để đối phó với lực lượng chức năng. Lúc thì vờ vào lán xin nước rửa tay, lúc lại vờ vào xin hàng đã bị bắt trước đó nhưng thực chất để do thám, nắm bắt quân số, biến động của biên phòng.
Có đêm, trời tối như mực, trinh sát của Đồn Biên phòng Tân Thanh đang nằm chốt trong lán chờ đến phiên đi tuần thì nghe tiếng xoèn xoẹt của bộ đàm ở trên cây cạnh lán. Các trinh sát vội chạy ra ngoài quan sát, phát hiện 2 “chim lợn” đang ngồi vắt vẻo trên cây dùng bộ đàm báo cho đồng bọn quân số của lực lượng biên phòng.
Tại cột mốc biên giới 1103/1 trên đỉnh đường mòn 386 (gần cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng), bên kia cột mốc là đất Trung Quốc, cách đó không xa là tổng kho hàng lậu Lũng Vài, Lũng Nghịu. Dù dọc đường mòn 386, Việt Nam đã lập hàng rào dây thép gai và nhiều chốt canh gác nhưng cánh buôn lậu lấy hàng ở Lũng Vài rồi men theo đường mòn của Trung Quốc để gùi về Việt Nam.
Khi thấy bộ đội biên phòng và hải quan xuất hiện, các cửu vạn đồng loạt dừng lại rồi lùi về phía đất Trung Quốc nhưng không chạy. Cửu vạn cứ đứng đó như trêu ngươi vì biết biên phòng Việt Nam không thể sang đất Trung Quốc bắt hàng. Chỉ cần lực lượng chức năng không quan sát, cánh cửu vạn sẽ chạy ào qua và mất hút theo đường mòn trên núi.
Kỳ tới: Chịu thua cánh xách hàng thuê
Tính đến hết tháng 11-2014, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý trên 3.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với tổng trị giá hàng hóa ước trên 50 tỉ đồng.
Bình luận (0)