Thông thường, hằng năm ở khu vực này nghêu vẫn chết. Nhưng qua Tết âm lịch, nước ngọt tràn vào thì hiện tượng nghêu chết không còn. Mặc dù thời tiết năm nay khá thuận lợi nhưng đến nay, không ai biết vì sao nghêu vẫn chết kéo dài.
300 ha sân nghêu giống đang bị đe dọa
Nhiều người nuôi nghêu có kinh nghiệm cũng không lý giải được hiện tượng lạ như năm nay. Ông Võ Minh Hùng, ấp Cây Bàng, xã Tân Thành, có hơn 20 ha nuôi nghêu, lo lắng: “Cứ vài ngày thì trên sân nghêu của tôi lại chết đi vài tấn. Mọi năm vào thời điểm nghêu đang thu hoạch thì không còn chết, nhưng năm nay không hiểu vì sao nghêu vẫn chết. Như thế này chắc là năm nay tôi đổ nợ!”.
Trước mắt chúng tôi, trên sân nghêu của ông Hùng rải rác những cụm vỏ nghêu chết bị sóng biển đánh tấp vào bờ. Ông Hùng cho biết mấy tháng nay, những người nuôi nghêu như ông hoang mang cực độ vì không biết nguyên nhân nào đến tháng 7 rồi mà nghêu vẫn cứ chết, các sân nghêu có nguy cơ mất trắng. Cũng theo ông Hùng, mấy ngày nay người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Gò Công Đông đề nghị có biện pháp xử lý các cơ sở lột tẩy vỏ ghẹ ở dọc biển Tân Thành vì họ cho rằng chính các cơ sở này đã thải nước tẩy hóa chất ra vùng nuôi nghêu, gây ra tình trạng nghêu chết kéo dài nhiều tháng qua.
Ông Hùng khẳng định: “Nghêu rất nhạy cảm với môi trường nước ô nhiễm, đặc biệt là hóa chất và dầu. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp mạnh thì nguy cơ các hộ nuôi nghêu thiệt hại hàng tỉ đồng là điều khó tránh được”. Cũng tại cồn Ông Mão, anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết sân nghêu 3 ha của anh đã chết hơn 50% so với số lượng thả nuôi. Theo UBND xã Tân Thành, không riêng gì sân nghêu của các hộ dân bị chết kéo dài mà gần 300 ha sân nghêu giống của địa phương cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện ở cồn Vạn Liễu có chủ đã bỏ cả sân nghêu vì nghêu đã chết gần hết.
Ô nhiễm hóa chất?
Ông Huỳnh Văn Vinh, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Đông, cho biết xã biển Tân Thành có tổng diện tích trên 2.000 ha bãi bồi được thả nghêu nuôi. Trung bình mỗi hecta thu hoạch từ 20-30 tấn nghêu thịt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng nghêu chết gây thiệt hại khá lớn. Theo ông Vinh, cứ mỗi mét vuông có từ 3-4 con nghêu chết, như vậy trung bình mỗi hecta, có đến gần... 4 tấn nghêu bị chết. Giá nghêu hiện nay là 15.000 đồng/kg thì người nuôi nghêu bị thiệt hại quá lớn. Theo người dân địa phương, có hai nguyên nhân làm nghêu chết: Các cơ sở lột vỏ ghẹ, tôm dùng hóa chất tẩy rửa rồi đổ thẳng ra biển mà không qua hệ thống xử lý nước thải. Cống thoát nước nông nghiệp tống thẳng ra biển gần khu vực nuôi nghêu. Tuy nhiên, ông Vinh cho biết việc xác định nguyên nhân nghêu chết vẫn phải chờ cơ quan chức năng kết luận.
Trong sáng 7-7, Cảnh sát Môi trường và Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Gò Công Đông đã đến kiểm tra 6 cơ sở lột vỏ ghẹ, tôm ở ấp Đèn Đỏ của các hộ: Phan Văn Hiệp, Phan Văn Thuận, Phan Văn Mười Hai, Trần Văn Nữa, Nguyễn Minh Toàn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ của 6 cơ sở nói trên đã không có mặt tại cơ sở kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã ghi nhận tất cả các cơ sở hoạt động đều không có hệ thống xử lý nước thải. Theo quan sát của chúng tôi, tuyến kênh Đèn Đỏ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo nhiều người dân ở đây, các cơ sở lột vỏ ghẹ, tôm này mỗi tháng dùng trên 20 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm. Mùi hôi thối nồng nặc từ các cơ sở này lan tỏa khắp vùng nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý.
Bình luận (0)