Triều Nguyễn sau khi thống nhất giang sơn đã chăm chút phong cách cung đình đế vương. Sau đó, chính tầng lớp quý tộc gồm các gia đình hoàng tộc, quan lại, các quận chúa, công chúa hạ giá lấy chồng, các ông hoàng tới tuổi ra mở phủ riêng, sống gần dân… đã góp phần lan tỏa cung cách sống cung đình ra chốn dân gian.
Tết từ trong Nội Tết ra
Người Huế gọi chốn cung đình là Nội (gọi tắt từ Đại Nội). Đưa con gái vào cung vua thì cảm thán là “đưa con vô Nội”. Dân gian ăn Tết cũng hướng vô Nội chờ vua ban sóc (ban lịch), thượng nêu xong mới rục rịch ăn Tết theo.
Tết cung đình lắm lễ nghi. Từ mùng 1 tháng chạp, triều đình ban sóc, tiếp đó làm lễ Tiến Xuân ngưu để khuyến cày. Từ 25 tháng chạp đến 11 tháng giêng, hoàng cung ăn Tết. Chiếu hoa, cờ xí trang trí rợp trời, cực kỳ lộng lẫy. Sáng mùng 1 Tết, vua làm lễ Khánh hạ ở điện Thái Hòa; các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng rồi vua ban yến tiệc Tết.
Một góc Hoàng thành Huế ngày Xuân Ảnh: Phạm Bá Thịnh
Bên cạnh tiệc tùng, thăm hỏi, chúc tụng..., hoàng cung còn tổ chức các cuộc thăm viếng lăng miếu, du Xuân cho đến mùng 7 tháng giêng. Nửa đêm về sáng 11, triều đình làm lễ tế Kỳ đạo (tế cờ). Bộ Lễ thiết đàn tế ở góc Đông Nam kinh thành. Bộ Binh cử 300 lính dự lễ, sau đó xuất quân tập trận. Vua thân chinh duyệt.
Trong cung ăn Tết ra sao thì ngoài dân gian cũng cố bắt chước như lễ nghi cúng bái, kiêng cữ cầu kỳ dù cũng gia giảm nhiều phần. Tuy nhiên, cũng có những việc trong cung bày ra mà ngoài dân gian không có và ngược lại, chẳng hạn như đưa ông Táo.
Ngày đông chí hằng năm là ngày tắt lửa trong cung. Tất cả lửa trong Tử cấm thành đều phải tắt, chỉ tại điện Càn Thành nhen một lò lửa than thật lớn. Đúng vào nửa đêm, các bà trong tam cung lục viện được phép mang lồng ấp đến cho vua ban lửa bằng cục than nhằm duy trì sự sống năm mới. Dân gian Huế không ban lửa như vua mà lại có tục đưa ông Táo ngày 23 tháng chạp.
Nay đã vào thế kỷ XXI mà người Huế vẫn như xưa. Từ đêm trước, các bà đã làm cơm cúng ông Táo. Hôm sau, có khi từ nửa đêm, đa phần từ 3-4 giờ, nhiều người đã thắp nhang, bày giấy, đưa ông Táo vào khay rồi bưng ra gốc cây, bến sông, bờ tường. Giờ đó mà ra đường, thấy người Huế đưa ông Táo như đi hội, tượng ông Táo đứng ngồi khắp chốn.
Do quan niệm 23 tháng chạp, ông Táo về trời trình tấu việc thế gian, nhất là việc liên quan đến gia đình ông Táo ở, nên người Huế đưa ông Táo đi sớm để còn kịp thưa trình mọi chuyện với Ngọc Hoàng. Nhiều cô gái nhân cơ hội này cũng đưa ông Táo và cầu sang năm tìm được ý trung nhân.
Cầu kỳ nghi lễ cúng bái
Tết Huế xưa cũng như nay, không gia đình Huế nào dám xem nhẹ việc cúng bái. Tháng 12 âm lịch còn gọi là tháng chạp vì dành cho việc chạp mộ (dọn sạch cỏ cây um tùm, đắp đất mồ mả tổ tiên), từ chạp làng, chạp phe (giáp), chạp họ, chạp phái rồi đến chạp nhà. Đưa ông Táo xong lại đến cúng tổ các nghề. Sau cúng tổ nghề, các cơ quan cúng tất niên trước rồi đến các xóm, các ngõ cúng.
Tùy xóm mà mâm cỗ lễ cúng tất niên nhiều hay ít nhưng bao giờ cũng đủ bàn thượng, bàn hạ, cúng cả con heo quay là chuyện thường nhưng nhiều nhất là đồ hàng mã, giấy vàng bạc, áo binh cho người âm ăn Tết. Nay ở Huế vẫn có mấy xóm bờ sông còn làm những chiếc đò nhỏ bằng bẹ chuối để cúng, gọi là đò độ hồn qua sông ăn Tết. Trên đò để một nắm cơm, ít thịt muối, giấy tiền, thả trôi theo dòng ra biển “như một bài thơ dài của dương gian”...
Các gia đình làm gì thì làm, ngày 30 Tết phải bày mâm cỗ để cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Đây cũng là dịp gia đình sum họp nên con cháu dù ở xa mấy cũng tìm cách về cúng cỗ ba mươi. Rồi khuya có cúng quan hành khiển trước khi cúng đón giao thừa ít phút.
Trong ngày mùng 1 Tết, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên đán. Lễ vật gồm trà bánh, bát trầm đơn giản mà tinh khiết, sau lễ ấy mới mở cửa du Xuân, đón khách. Mùng 2 Tết là cúng Tết nhà, phải là mâm cao cỗ đầy để cầu mong phúc lộc năm mới. Trong lễ cúng này có cắt giấy vàng bạc thành những miếng vuông dán song đôi trên các đồ vật, cửa ngõ, trong nhà. Người trong nhà, có khi cả bạn bè đến chơi gặp lúc cũng bỏ hết tiền trong ví ra cúng để mong năm mới có tiền gấp thêm nhiều lần. Mùng 3 Tết thường cúng đưa buổi chiều để thưa trình ngày Tết đã hết, xin tiễn ông bà tổ tiên về cõi trên. Qua Tết lại có cúng dâng sao, cúng đầu năm, cúng Nguyên tiêu...
Bao nhiêu lễ cúng là bấy nhiêu sự khéo léo của nữ công gia chánh bày ra trên mâm cỗ. Nhiều người thắc mắc cúng nhiều như thế thì thời gian đâu mà các bà chơi Tết? Có người đùa: Thì đã có bao nhiêu kiêng cữ để bù lại như ngày Tết kiêng quét nhà, kiêng đổ rác, kiêng bất hòa gắt gỏng... Thì cũng có người trợn mắt: Răng không nói thêm kiêng làm bể đồ dùng, kiêng cho lửa, kiêng cho nước, kiêng cho vay mượn!
Lục đục làm mứt, làm bánh, làm dưa, nấu nướng trong mấy ngày Tết cũng vui nhưng lớp trẻ thì chỉ mong phiên phiến thôi để còn thời gian đi chơi. Nhưng chơi Tết Huế nay chỉ còn lác đác vài món xưa như cua bầu, bài tới, xăm hường, đu tiên, vật võ, đua ghe... Vui nhất là tảo mộ sáng mùng 1 Tết, năm nào đường lên núi Thiên Thai cũng kẹt xe, mà ai ai cũng nói cười rộn rã. Rồi sau đó lên chùa, cũng đông như trẩy hội...
Kỳ tới: Hư bóng Tết hoàng tộc
Bình luận (0)