Người dân vùng bị lũ nói riêng và ở mọi miền đất nước nói chung luôn trân trọng và cảm kích những tấm lòng thiện nguyện. Đó là truyền thống, đạo nghĩa cao quý của người Việt.
Dù vậy, sự hỗ trợ ấy chưa thể giúp người dân trở lại cuộc sống ổn định, gầy dựng lại cơ nghiệp và sắp tới có thể không còn bị mất mát, thương đau mỗi khi thiên tai (và cả nhân tai) giáng xuống.
Mưa lũ có thể đến bất cứ lúc nào và hầu như mỗi năm ở miền Trung đều có thì vấn đề không còn dừng lại ở chuyện kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ nhau nữa mà phải có những biện pháp căn cơ, những kế hoạch lâu dài để bảo đảm cuộc sống an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân.
Trước hết, có thể xác định những thủy điện ở khu vực này đã góp phần làm tình trạng lũ lụt thêm trầm trọng. Các cơ quan chức năng phải gấp rút chấn chỉnh ngay quy trình xả lũ “chết tiệt” chỉ chăm chăm vào lợi nhuận tối đa của các ông chủ thủy điện mà hời hợt với tính mạng, tài sản của bao người dân vùng hạ du. Sinh mạng của người dân là trên hết và đây là nơi họ đã sinh sống bao đời nên không thể vì bất cứ lý do gì để có thể khỏa lấp rách nhiệm.
Thứ đến, cần phải có phương án chống lũ hiệu quả thay vì phó mặc cho “lòng thương” của ông trời. Cho đến nay, chúng ta chưa có một công trình điều tiết, chống lũ hiệu quả cho vùng đất này. Mỗi mùa mưa lũ đến, người dân lại đơn độc, vất vả trong cơn hoạn nạn. Ai là người miền Trung hoặc có thân nhân ở miền Trung thì hiểu rất rõ sự cơ cực của họ ra sao mỗi khi bão lũ về. Tài sản dành dụm bao năm, chỉ một cơn lũ đã mất sạch. Ruộng vườn tiêu điều, nhà cửa xác xơ, thậm chí sơ sẩy là mất mạng. Nỗi đau ấy cứ lặp đi lặp lại bao đời và là nỗi ám ảnh của hàng chục triệu người miền Trung, có lẽ không bao giờ xóa nhòa được.
Không ít quốc gia trên thế giới cũng luôn bị thiên tai đe dọa. Vấn đề là họ chia sẻ trách nhiệm với người dân và đã quyết tâm xây dựng những công trình chống lũ thành công. Đường hầm thoát nước nổi tiếng dài gần 10 km Stormwater Management and Road Tunnel ở Kuala Lumpur (Malaysia) là một ví dụ. Mùa mưa, đây là hầm thoát nước khổng lồ; mùa nắng thì trở thành một đường hầm cao tốc. Hoặc đập Marina Barrage ở Singapore vừa chống lũ vừa tạo cảnh quan du lịch và tạo nguồn nước ngọt cho đảo quốc. Tương tự, Nhật Bản là quốc gia ở giữa biển khơi nhưng cũng đã có hàng loạt công trình chống lũ rất hiệu quả.
Mỗi mùa mưa lũ là một mùa tang thương. Mỗi đợt mất mát lại một lần kêu gọi sự chung tay chia sẻ. Không ai ngoảnh mặt trước những nỗi đau mà đồng bào của mình phải gánh chịu nhưng hãy tìm cách giảm bớt nỗi đau, ngăn chặn tai họa chứ đừng để xảy ra rồi tập trung khắc phục hậu quả. Đây là trách nhiệm của nhà chức trách trước người dân chứ không đơn thuần chỉ là sự cảm thông, an ủi.
Bình luận (0)