Theo thói quen, người Việt dành ngày Tết, thậm chí cả tháng đầu năm, để nghỉ ngơi sau một năm làm ăn vất vả. Tuy nhiên, họ lại coi đây là thời gian thích hợp để tổ chức các sinh hoạt văn hóa mà trong năm không có điều kiện thực hiện. Các hình thức văn hóa quan trọng đua nhau nở rộ. Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện nước ta có trên 7.000 lễ hội nhà nước và dân gian, phần lớn được tổ chức vào mùa Xuân.
Khắp miền xuôi, miền ngược, cứ đến ngày Xuân lại rộn ràng hội lễ để đem lại cái vui, cái đẹp cho mọi người, đồng thời có thêm nguồn thu nhập. Nhờ những sinh hoạt văn hóa rộn rã đó mà cùng với đào thắm, mai vàng, nắng ấm, sức Xuân dường như dào dạt hơn, con người và thiên nhiên bừng tỉnh lại, hăng hái hơn, tự tin hơn để bước vào một chu kỳ phấn đấu mới, một năm yêu thương và làm lụng.
Học lấy nét đẹp của tổ tiên, nhân ngày Xuân mới, tôi cũng xin góp mấy ý kiến luận bàn về việc xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc trong tình hình hiện nay.
Có thể nói, xây dựng văn hóa đi đôi với bảo vệ văn hóa dân tộc là một trong những truyền thống tốt đẹp tồn tại lâu dài trong lịch sử nước ta. Đứng trước các thế lực ngoại bang luôn nuôi tham vọng “đồng hóa”, hủy hoại tất cả sách vở và vốn liếng văn hóa người Việt, bảo vệ văn hóa dân tộc luôn là nghĩa vụ thiêng liêng, không khác gì sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc. Vì thế, chúng ta không lạ khi thấy một trong những câu mở đầu của Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nêu truyền thống văn hóa Việt trước tiên: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Trong quan niệm phương Đông, sách vở, văn hiến, văn hóa là những giá trị có tính thách thức nhất. Mất sách vở, lễ nghi, văn hóa là mất tất cả, là mối nhục không rửa sạch được. Văn hóa trong quan niệm của ông cha ta không phải trò vui mà thuộc về linh hồn dân tộc. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc là yêu cầu tự thân của văn hóa, vừa là bộ phận hợp thành máu thịt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế, năm 1943, trong hoàn cảnh nước nhà lâm cảnh “một cổ hai tròng” ách cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, dân ta hết sức lầm than, mệnh lệnh cứu nước đặt ra gấp gáp hơn bao giờ hết nhưng Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn kịp thời soạn thảo và công bố Đề cương Văn hóa Việt Nam, coi xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc là nhiệm vụ sống còn của mỗi người yêu nước.
Năm 1998, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 đã thông qua nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết 5) - văn kiện toàn diện về nhiệm vụ văn hóa cho suốt cả thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong hoàn cảnh nước nhà lúc đó, Nghị quyết 5 mới chỉ dành sự quan tâm chủ yếu cho xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc - trong xây dựng cũng gắn “xây” với “chống”, khắc phục những quan niệm và hành vi sai trái trong đời sống văn hóa. Nghị quyết 5 đề ra nhiệm vụ “bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc” nhưng cũng chỉ dừng ở mức đó; còn chủ trương bảo vệ văn hóa dân tộc như là bảo vệ toàn bộ giá trị và sự tồn tại của văn hóa Việt Nam, đặt bảo vệ ngang với xây dựng và phát triển văn hóa thì chưa rõ.
- Nghị quyết 5 đặt nhiệm vụ khắc phục sự biến chất trong bộ máy Đảng và Nhà nước như là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi nâng cao chất lượng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị như một bảo đảm cơ bản, lâu dài của sự nghiệp văn hóa. Thế nhưng, đến nay, việc thực hiện không mấy kết quả, tình hình ngày càng xấu hơn.
- Việc thực hiện các chuẩn văn hóa ngày càng rối ren, kém tác dụng. Hoạt động khen thưởng, tặng danh hiệu, cấp phát văn bằng, học vị, thi cử, sắp xếp cán bộ... đều nhân danh các chuẩn giá trị nhưng thực tế lại nhiều tai tiếng về sự hồ đồ, tùy tiện mà phần lớn lại là do chính cơ quan và người có thẩm quyền đề xuất, xét chọn gây ra. Những sai trái đó đang làm đầu mối cho nhiều sai trái ngoài xã hội.
- Những mong muốn xác lập quan hệ chặt chẽ kinh tế - văn hóa, văn hóa - kinh tế không thực hiện được; kinh tế và văn hóa vẫn tách rời; xu hướng chạy theo kinh tế, đặt nặng lợi nhuận, coi nhẹ văn hóa, vô cảm với con người khá phổ biến. Do hiểu cơ chế thị trường một cách máy móc, nhiều thiết chế văn hóa từng tồn tại nhiều năm bị thả trôi, rơi vào suy yếu. Phúc lợi văn hóa mà nhà nước dành cho nhân dân không còn là bao. Những dịch vụ văn hóa thấp kém được sự trợ lực của đồng tiền và thói hám lợi phát triển ồ ạt.
- Hệ thống các cơ quan trực tiếp trợ lực cho văn hóa dù được tăng cường ở mức nhất định nhưng vẫn giảm sút uy tín và năng lực hoạt động, không tạo được môi trường thuận lợi cho các tài năng trưởng thành và cống hiến. Nhìn về lâu dài, ta thấy rõ sự hẫng hụt lực lượng kế tục cả về phẩm chất và trình độ.
Chủ nghĩa hưởng thụ, tâm lý bi quan tăng lên, ý thức trách nhiệm giảm sút. Tội ác xã hội tăng nhanh với nhiều hành vi mất nhân tính.
Văn hóa không phải trò vui mà thuộc về linh hồn dân tộc.
Tình hình trên ít nhiều cho thấy sự vận động văn hóa ở nước ta đã bước vào giai đoạn thực sự khó khăn, dường như càng cố vươn lên càng xuất hiện những biến thái tiêu cực cản trở, nhiều mặt có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cái mốc phấn đấu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng đến gần, trong khi yêu cầu phát triển bền vững luôn đòi hỏi sự có mặt đầy đủ của nhân tố văn hóa không hề gia giảm...
Tình hình đó cho thấy quá trình xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay không diễn ra bình thường như trước đây. Nhiều giá trị văn hóa được nhiều thế hệ vun đắp đã và đang bị xói mòn. Những ai nặng lòng với văn hóa dân tộc không khỏi xót xa, tủi hổ trước hiện trạng sa sút của văn hóa và nhân cách quá nhanh mà không một văn bản luật pháp nào đủ khả năng điều chỉnh.
Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề xây dựng văn hóa đi đôi với bảo vệ văn hóa dân tộc như một nhiệm vụ cấp thiết, một mặt trận rộng lớn của toàn dân.
Một mặt trận văn hóa như thế tất yếu phải nêu cao tinh thần dân tộc, khoa học, nhân văn và dân chủ.
Bình luận (0)