Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải tổ chức cuộc họp khẩn khi mà người chăn nuôi heo cả nước rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bán cũng lỗ mà tiếp tục nuôi càng lỗ hơn vì thịt hơi chỉ còn khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Giá thịt heo, một loại thịt gia súc chăn nuôi chủ lực hiện nay, thấp xa so với giá thành đã đẩy tất cả người chăn nuôi vào bi kịch.
Cuộc khủng hoảng giá thịt heo hiện nay đã được dự báo từ cuối năm trước song có vẻ đã quá muộn để ngăn chặn. Điều đáng nói hơn nữa là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này, theo đánh giá của cơ quan hữu trách, còn được chỉ ra từ trước đó.
Điều dễ thấy nhất là ngành chăn nuôi heo thời gian qua phát triển kiểu tự phát theo phong trào, thiếu vắng sự định hướng và quy hoạch. Khi giá thịt heo được giá từ cuối năm 2015, người dân đã đua nhau ồ ạt gây đàn chăn nuôi. Hậu quả là tổng đàn heo cả nước đã “nhảy vọt” lên khoảng 30 triệu con vào năm 2016, tăng tới 4 triệu con so với chỉ 1 năm trước đó.
Thịt heo cũng như nhiều loại nông sản khác của nước ta như dưa hấu, vải... quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong đó chủ yếu xuất tiểu ngạch. Khi Trung Quốc nhập giá cao từ cuối năm 2015 cho tới đỉnh điểm tháng 4 và 5-2016, thịt heo được giá và kéo theo đó là “phong trào” chăn nuôi phát triển ồ ạt trên cả nước. Tới lúc Trung Quốc “đóng” cánh cửa tiểu ngạch với thịt heo thì người chăn nuôi méo mặt nhìn giá rớt từng ngày.
Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho người dân, người chăn nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng có phần trách nhiệm quan trọng, trước hết là ở khâu dự báo, quy hoạch và điều tiết. Cùng với đó hoạch định, phát triển công nghiệp chế biến và tổ chức thị trường là những khâu còn rất yếu dù đã được nhận diện từ lâu. Thật nghịch lý khi mỗi kg heo hơi xuất chuồng chỉ với giá 20.000-25.000 đồng song đến tay người tiêu dùng lại vọt lên tới 80.000-100.000 đồng/kg. Khoảng cách giữa người chăn nuôi tới người tiêu dùng, trong rất nhiều trường hợp, chỉ có vài ba chục km nhưng qua nhiều “cầu” và nhất là phải “cõng” thêm nhiều loại thuế phí.
Trước giá thịt heo, nông sản nước ta từng thấy những điều nhức nhối và đau lòng với giá lúa gạo, dưa hấu, chuối, cà phê, thanh long… Cũng tương tự các cuộc rớt giá nông sản trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước lại khẩn cấp họp bàn để giải cứu ngành chăn nuôi heo. Tìm biện pháp khẩn cấp để ứng cứu người chăn nuôi heo là cần thiết song nếu các cơ quản quản lý nhà nước không thấy trách nhiệm và không hoàn thành trách nhiệm dự báo, quy hoạch, điều tiết cũng như phát triển công nghiệp chế biến, phát triển thị trường và tổ chức thị trường thì những bất cập và nghịch lý nông sản có thể chỉ là chuyện “đến hẹn lại lên” mà thôi.
Bình luận (0)