Quê tôi ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ xưa, 1 xã đã có đến 2 thôn chuyên nghề chẻ tre đan cót. Đến sau năm 1975, hàng trăm gia đình vẫn tiếp tục nghề này. Từ nghề đan cót, đan phên truyền thống, nhiều người dùng tre chế tác ra hàng chục mặt hàng gia dụng khác, đưa đi bán khắp nơi. Người quê tôi đa số biết đốn tre, đánh trối, chẻ nan và đan đát từ nhỏ. Họ sống dưới bóng râm của những lũy tre, sinh nhai bằng lợi tức làm ra từ tre nên thường vui vẻ tự xưng mình là “người Việt gốc... tre” khi có cháu con ngoài thành thị trở về thăm và trầm trồ nhìn họ biểu diễn tay nghề. Vì vậy, dù đi đâu, hình bóng cây tre vẫn luôn ám ảnh...
Người “bị tre ám”
Cố nhà thơ Thu Bồn là người đồng hương của chúng tôi. Thuở nhỏ, nhà ông ở khuất sau những lũy tre ven con sông Ngũ Giáp. Lớn lên, Thu Bồn đi kháng chiến và làm thơ. Tre là một hình ảnh luôn “ám” lấy ông. Tập thơ đầu tiên viết vào đầu những năm 1960, ông lấy tên là “Tre xanh”, lời lẽ dung dị mà giàu hình ảnh và cảm xúc: “Tôi bước đi dưới tre gió bồng chân sáo/ Đường hành quân những lần tre níu áo/Lòng bồi hồi rộn bóng tre xưa...”; hoặc: “Ông cha ta xưa trồng tre thành chiến lũy/Nên rừng chông đứng sẵn thế xung phong”.
Khi Thu Bồn nằm hầm bí mật và khao khát nhìn thấy bầu trời xanh thì qua lỗ thông hơi của căn hầm, thứ đầu tiên mà ông nhìn thấy cũng chính là 1 cành tre: “Nhìn qua lỗ nhỏ thấy cành tre non” (bài “Căn hầm bí mật của tôi”). Ngày hòa bình, ông vào ở tại quận 5, TP HCM. Dù đất sân không nhiều, ông vẫn trồng một khóm tre ngà trước cổng và thường ngày vẫn ngủ trên chiếc chõng tre nhỏ với tấm vạt giường láng mượt. Văn nghệ sĩ kháo nhau rằng ông quyết định dời nhà lên suối Lồ Ồ sau đó và sống đến cuối đời một phần cũng là từ tình yêu ban đầu ấy!
Chú họ tôi tên Thà, năm nay tuổi đã gần 70. Nhà chú Thà ở bên này sông Ngũ Giáp, giữa làng Thanh Quít (thị xã Điện Bàn). Chú không làm thơ và yêu tre như cách của Thu Bồn nhưng là 1 nghệ nhân về tre với tính tình kỳ lạ. Người bình thường trong làng hạ được một bụi tre khoảng vài chục cây phải mất nhiều ngày, còn chú chỉ trong 1 buổi. Có lần, chú hạ 60 cây tre chỉ trong 1 ngày bằng chính sự thông minh và hiểu được tính nết của loài cây này. Chú phát sạch gai dước gốc, dọn hết cành nhánh trên thân và ngọn trước khi đốn ở vị trí cách mặt đất khoảng gần 2 m và rút từng cây đã chặt ném ra khoảng đất trống bên cạnh trước sự ngạc nhiên của người làng.
Chẻ nan tre, đan đát…, chú cũng là quán quân. Nhưng cũng như mọi nghệ sĩ trên đời, chú có cái tật khó chịu khi bị ai đó phê bình. Một lần, chú mất mấy ngày đi chọn tre, chẻ nan và đan vừa xong chiếc ghe câu thì có khách quen trong làng vào. Người ấy khen hết lời song lại lỡ mồm chê một chi tiết nhỏ ở mũi ghe. Chú Thà liền vất điếu thuốc rồi cầm ngay cái rựa băm nát chiếc ghe và lẳng lặng bỏ vào giường nằm. Mấy hôm sau, chú lại tiếp tục đi tìm tre và đan chiếc ghe khác!
Lại có một anh bạn Việt kiều yêu... tre ở San Jose (Mỹ) về quê sau nhiều năm kiếm tiền bằng nghề làm báo, viết văn, tổ chức các chương trình giải trí bên ấy. Về tay không nhưng khi đi thì không biết bao nhiêu là thứ “hàng hóa” mà ngay cả người nhà quê cũng không thèm sờ tới: Vài cái rổ, rá; mấy chục ống tre lồ ô, rồi gáo múc nước bằng sọ dừa và chiếc chum sành.
Anh ta giải thích: “Mấy chục năm bên ấy mà vẫn không quên được những câu ca dao, hình bóng cây tre quê mình. Tôi vừa làm nhà xong và mua mấy thứ này sang để thiết kế ngay trong phòng khách một đường ống dẫn nước bằng tre đổ vào chum sành. Một tấm liếp tre đậy hững hờ trên miệng chum, trên ấy không thể không có vài cái rá, cái rổ tre. Bên cạnh là một gốc tre có cái mắc dài để móc chiếc gáo dừa. Hồi nhỏ ở quê, cảnh nhà tôi nó vậy...”.
Ba người yêu tre theo 3 cách thế khác nhau. Và ai cũng có cái lý của riêng mình!
Ẩn chứa bao điều thú vị
Theo Tổ chức Tre thế giới, loài cây này có 11 giá trị đặc trưng, trong đó có giá trị tiêu biểu là một hình tượng trong văn học, nghệ thuật.
Yêu tre nên phải mày mò tìm tre nhưng sau khi chạy quanh mỏi mệt, anh bạn Việt kiều lại quay về với cây tre Việt Nam và bất ngờ tìm thấy bao điều thú vị. Anh kể: “Chúng ta có một kho tàng văn học dân gian đồ sộ mà trong đó có đến hàng trăm câu ca dao, tục ngữ rất hay liên quan đến cây tre cùng cuộc sống của người Việt. Thương em vì cá trích ve/Vì rau muống luộc vì mè trộn măng; Khó nhất đốn tre/Khó nhì ve gái; Cha ơi đừng đánh con khờ/ Để con ra bụi con rờ mụt măng; Chẻ tre lựa cật đan nia/Có chồng con một khỏi chia gia tài; Gió đưa cây trúc ngã quỳ/Ba năm thủ tiết còn gì là xuân”...
Sau một lèo những câu ca dao, tục ngữ như vậy, cả người đọc và người nghe đều mướt mồ hôi. Để dứt lời bạn, tôi hỏi:
- Vậy cậu biết câu “Thương chồng nấu cháo măng le? Chồng ăn, chồng ngủ, chồng đè em ra” chưa?
Anh ta trố mắt nhìn tôi, rồi nói nhỏ:
- Thì ra tớ vẫn là “ếch ngồi đáy giếng” thôi. Té ra cậu cũng là “người Việt gốc… tre” à?!
2,5 tỉ người sống nhờ tre
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục cơ quan, hiệp hội nghiên cứu về tre. Riêng ở Mỹ, Hiệp hội Tre nước này có trên 7.000 hội viên với các chi nhánh từ nhiều tiểu bang và hội viên từ 38 quốc gia khác. Châu Âu cũng có một tổ chức tương tự với chi nhánh ở nhiều nước trong khối EU. Hằng năm, có hàng chục hội nghị cấp quốc gia, quốc tế liên quan đến tre được tổ chức khắp thế giới.
Đây là loại thuộc họ cỏ (phân họ nguyên thủy của loài cỏ) với hơn 70 loài và 1.200 giống, có khả năng thích nghi rất rộng và hiện diện trên tất cả các châu lục. Mỗi năm, các sản vật làm bằng tre trên thế giới trị giá hơn 2,5 tỉ USD và giá trị trao đổi thương mại quốc tế khoảng 4,5 tỉ USD. Có khoảng 2,5 tỉ người hiện làm việc hoặc sống dựa vào tre như một nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Kỳ tới: Trong ngôi nhà tre 100 tuổi
Bình luận (0)