Vừa bước chân lên đảo Song Tử Tây trong nắng vàng rực rỡ, một đàn trẻ thơ ùa ra hớn hở chào chúng tôi như đón người thân trở về. Bé Huỳnh Thị Bảo Trâm khoe: “Năm nay con học lớp 3. Lớn lên con muốn làm cô giáo”.
Thầy giáo Trương Xứ Long đang dạy học cho học trò trên đảo Song Tử Tây
Gieo mầm xanh
Bốn giáo viên dạy học trên đảo Song Tử Tây cũng là những cán bộ lãnh đạo UBND xã này. Lớp học thường chỉ gồm 1 thầy và chỉ 1 hoặc 2 học sinh. Đặc biệt, trò không bao giờ nghỉ học nên góc bảng điểm danh trong lớp luôn ghi rõ: “Vắng 0”.
Hôm tôi đến, thầy giáo Đoàn Quốc Thái, Bí thư xã đoàn Song Tử Tây, đang say sưa giảng bài cho 2 học sinh lớp 4 là Ngô Thị Trường Giang và Nguyễn Quang Vinh. “Những ngày đầu dạy học, ai cũng lúng túng. Đôi khi, các thầy cũng bị “cháy giáo án” vì những câu hỏi ngây ngô nhưng hóc búa của các em, như: “Em bé sinh ra từ đâu?”, “Sao ban ngày mới có mặt trời?”...” - thầy Thái kể.
Thầy giáo Trương Xứ Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Song Tử Tây, nhớ lại: “Năm năm trước, tôi đăng ký ra đảo theo chương trình xây dựng Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Đợt đó, tỉnh chỉ tuyển 12 công chức mà có gần 100 bộ hồ sơ đăng ký. Tôi may mắn được chọn”. Là người trẻ nhất trong 4 công chức ra đảo, Long được phân công dạy các cháu lớp mầm, lớp lá.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) trên đảo luôn đáng nhớ. Em thì kết hoa bàng vuông, phong ba, hoa dại; em thì vẽ tranh; em thì múa hát để tặng các thầy. Đảng ủy, chỉ huy đảo cũng đến chia vui còn các phụ huynh trên đảo thì tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho các thầy, tuy đơn sơ nhưng rất ấm áp tình cảm.
Thầy Trần Vũ Lân, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, kể: “Tranh thủ những dịp nghỉ phép hiếm hoi 1-2 năm mới có một lần được về đất liền, chúng tôi lại vùi đầu vào các lớp bồi dưỡng do ngành giáo dục tổ chức và thường xuyên lên mạng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm giảng bài”. Sự nỗ lực của các thầy đã được đền đáp khi phụ huynh thấy con hiểu bài, hỏi gì cũng trả lời được.
Kết quả học tập từng năm học của các em đều đạt khá, giỏi trở lên. Khi vào đất liền để học tiếp, các em đều học rất tốt. Chị Đặng Thị Liễu (ở đảo Song Tử Tây) khoe với chúng tôi tấm giấy khen học sinh giỏi của con gái là Phan Thị Thu Huyền, hiện đang học lớp 6 trong đất liền.
“Huyền học cấp 1 ở xã đảo Song Tử Tây. Nhiều cháu khác cũng từng học ở đây, khi vô đất liền học lên nữa cũng đạt học sinh giỏi, như cháu Huỳnh Thị Tố Ngân, lớp 6; cháu Nguyễn Linh Đoan, lớp 8” - chị Liễu cho biết.
Thảo thơm blouse trắng
Nắm chặt đôi bàn tay đại úy - bác sĩ Kiều Đức Vinh, Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây, ngư dân Nguyễn Thanh Dũng rưng rưng: “Nếu không có bác sĩ, chắc tôi đã bỏ mạng giữa biển Đông rồi vì bị nhồi máu cơ tim. Công ơn to lớn này không biết đến khi nào tôi mới báo đáp được”.
Trước đó, vào một đêm sóng to gió lớn cuối tháng 12-2012, trong lúc cùng các ngư dân khác câu mực thì bất ngờ ông Dũng kêu lên một tiếng rồi ngất xỉu. Mọi người soi đèn đi tìm, phát hiện ông Dũng nằm vật trên mũi tàu, mặt tím tái. Lập tức, tài công liền nhổ neo hướng thẳng về đảo Song Tử Tây cách đó gần chục hải lý.
Cả đảo Song Tử Tây đêm ấy bị đánh thức bởi tín hiệu xin cấp cứu của con thuyền mang số hiệu QNg 90188TS. Một tổ cơ động được điều ra cầu cảng để đón ngư dân. Còn tại bệnh xá, kíp mổ cấp cứu được gấp rút triển khai. Lúc tiếp nhận, ông Dũng trong tình trạng khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn. Qua chẩn đoán, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
Một ca mổ kéo dài nhiều giờ được thực hiện trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Dũng thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau 17 ngày điều trị, ông bình phục hoàn toàn và trở lại thuyền làm việc.
Để khắc phục khó khăn, các y, bác sĩ ở Trường Sa phải tìm tòi, học những cách chữa bệnh không phụ thuộc nhiều vào máy móc nhưng vẫn hiệu quả. Trước tình trạng nhiều chiến sĩ, ngư dân rất dễ bị cá độc tấn công có thể gây tử vong, thượng tá - bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, đã mày mò tìm cách điều trị.
“Thấy người dân bắt cá mú có độc ngâm trong nước nóng trước khi ăn nên sau khi cho bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm mạnh, tôi cho họ ngâm chỗ bị tổn thương vào nước ấm. Kết quả là những ca dính độc đều được chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng nào. Bây giờ thì cách chữa trị này đã được phổ biến trên toàn huyện đảo Trường Sa” - bác sĩ Nam cho biết.
Trung tá - bác sĩ Dương Quang Hiến (Bệnh viện 103) trong những ngày đầu ra đảo Nam Yết đã sớm tìm tòi, nghiên cứu được nhiều cây thuốc quý, phù hợp thổ nhưỡng và đã điều trị thành công 2 ca bệnh bằng phương pháp điều trị không dùng thuốc. Đó là một trong những gương điển hình về nỗ lực tìm tòi, học hỏi không ngừng của đội ngũ thầy thuốc nơi đầu sóng ngọn gió. Trong hoàn cảnh gian khó ấy, tài - tâm - đức của những người mặc áo blouse trắng ở Trường Sa ánh lên ngời sáng.
Tuổi trẻ cống hiến
Vừa lập gia đình được 1 năm, thầy giáo Đoàn Quốc Thái đã để vợ (là y sĩ) ở nhà một mình nơi đất liền, tình nguyện xin ra công tác tại Trường Sa. Trong suy nghĩ của thầy Thái, Trường Sa còn nhiều khó khăn lẫn hiểm nguy. Chính điều ấy càng thôi thúc Thái quyết tâm ra đảo để cống hiến.
Còn thầy Trương Xứ Long thì gác lại giấc mơ học hành, xa người yêu nơi quê nhà để lên đường ra đảo xa. Bố mẹ đã ngoài 60 tuổi cứ mải miết ngóng đứa con trai út. “Bố mẹ muốn tôi về để cưới vợ nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt trong veo của các em học sinh khi nghe tôi giảng bài thì không xa được. Được góp sức xây dựng biển đảo quê hương là món quà lớn nhất mà tôi dành tặng từ tuổi trẻ của mình” - Long tự hào. |
Bình luận (0)