Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố, thu nhập bình quân của những cán bộ nói trên khoảng 60,8 triệu đồng/người/tháng, tức bình quân 730 triệu đồng/người/năm. Đáng nói, hồi tháng 10-2014, Công ty XSKT Tiền Giang đã chủ chi cho 2 đoàn cán bộ tỉnh đi Mỹ học tập kinh nghiệm về xổ số. Và mới đây, tháng 11-2015, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục cử 14 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cùng 6 chủ doanh nghiệp đi “học tập kinh nghiệm về biến đổi khí hậu toàn cầu” tại Hà Lan và Nga bằng kinh phí dự kiến trích từ nguồn XSKT. Khi báo chí lên tiếng, chuyến đi mới bị hủy bỏ.
Vụ bê bối tài chính ở Công ty TNHH MTV XSKT Tiền Giang nói cho cùng chỉ là những giọt nước thêm vào chiếc ly vốn đã tràn về tình trạng xem và sử dụng ngân sách như… “tiền chùa” ở nhiều doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Dư luận từng sốc với thu nhập cao ngoài sức tưởng tượng của lãnh đạo chủ chốt 4 doanh nghiệp công ích ở TP HCM là Công ty Chiếu sáng công cộng, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Công trình giao thông và Công ty Công viên cây xanh, từ 600 triệu đồng đến gần 2,6 tỉ đồng/người/năm! Và còn nhiều nữa những vụ việc tương tự ở Công ty XSKT Bạc Liêu, Công ty XSKT Hậu Giang, Công ty Môi trường đô thị Nha Trang (Khánh Hòa)…
Thật bất bình khi nghĩ đến hình ảnh biết bao người nghèo ngày đêm còng lưng, rã bước trên mọi nẻo đường bán vé số để mưu sinh. Họ là lực lượng lao động chính của hệ thống phân phối XSKT toàn quốc đấy! Cũng không khỏi chạnh lòng trước những công nhân treo mình trên ngọn cây cao cạnh đường dây cao thế nguy hiểm để cắt tỉa cành lá hay những người thầm lặng nhặt từng cọng rác ở công viên hoặc chui mình dưới cống sâu múc từng xô bùn đen hôi thối… từng giờ, từng ngày, kể cả lễ, Tết. Thế nhưng, lương của họ không bằng con số lẻ so với thu nhập của các tổng giám đốc, chủ tịch HĐTV, kế toán trưởng…
Không quá lời nếu so sánh lòng tham của các quan chức - vốn được xem là công bộc của dân - nói trên còn hơn cả những địa chủ thời phong kiến. Họ tìm nhiều cách vơ vét, bòn rút để làm giàu trên mồ hôi nước mắt, thậm chí cả mạng sống của người lao động. Suy cho cùng, đây cũng là một dạng tham nhũng, bóc lột trong một xã hội mà chúng ta luôn đòi hỏi công bằng, dân chủ, văn minh.
Về phương diện quản lý nhà nước, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do cơ chế độc quyền vốn tồn tại lâu nay. Sự độc quyền ấy đã biến thành đặc quyền đặc lợi cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Các quan chức ấy nhận lương từ đâu mà cơ quan chức năng không kiểm soát nổi, lại kéo dài trong rất nhiều năm? Hễ thanh tra là lòi ra sai phạm, cho nên có thể nói tình trạng ăn lương “khủng” và chi xài của công vô tội vạ trong thực tế đang còn rất nhức nhối…
Bình luận (0)