Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động như vậy vào ngày 1-8.
Dễ dàng mọi lúc, mọi nơi
Theo ông Thành, hợp đồng cung ứng dịch vụ hệ thống bán vé điện tử mà tổng công ty này vừa ký với Tập đoàn FPT (ngày 31-7) sẽ triển khai trong 7 năm, chia làm 3 giai đoạn với tổng chi phí 197 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng, lắp đặt hệ thống (kéo dài trong 4 tháng kể từ ngày ký hợp đồng); giai đoạn 2 cung cấp hệ thống bán vé điện tử qua website tuyến đường sắt để kịp phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán 2015; giai đoạn 3 cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh bắt đầu từ cuối tháng 11-2015. Hệ thống hoàn chỉnh sẽ được áp dụng tại tất cả các ga thuộc đường sắt quốc gia.
Tập đoàn FPT cho biết hệ thống bán vé điện tử cung cấp nhiều phương thức mua vé cho người dân, như: đặt vé qua tin nhắn điện thoại; mua vé qua website, qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, qua thiết bị bán vé tự động tại ga, qua đại lý… Người dân có thể sử dụng các loại thẻ thanh toán trong nước và quốc tế để trả tiền mua vé.
“Dự án này sẽ hỗ trợ người dân mua vé tàu dễ dàng mọi lúc, mọi nơi chỉ với một điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có kết nối internet” - ông Trần Ngọc Thành khẳng định. Theo ông Thành, trong tháng 11 tới, ngành đường sắt sẽ bắt đầu bán vé tàu hỏa qua mạng trên toàn tuyến. Nếu khách hàng không có thẻ ngân hàng thì có thể đặt chỗ trước rồi đến ga thanh toán tiền và lấy vé.
Bước ngoặt quan trọng
Ông Thành cho biết tổng công ty không phải bỏ đồng vốn nào vào việc xây dựng hệ thống bán vé điện tử nhưng vẫn được sử dụng toàn bộ hệ thống, gồm: hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, hạ tầng viễn thông kết nối từ trung tâm dữ liệu của FPT đến từng ga và hệ thống mạng nội bộ của đường sắt Việt Nam; phần mềm bán vé điện tử và các thiết bị đầu cuối như máy bán vé tự động; thiết bị soát vé cầm tay để tổ chức mạng lưới bán vé. Bù lại, tổng công ty phải trích tỉ lệ phần trăm doanh thu bán vé để trả cho FPT. Theo tiết lộ của ông Thành, FPT sẽ được hưởng khoảng 0,97%. “Đây là quan hệ cộng sinh nên chắc chắn họ phải sử dụng công nghệ tốt nhất để mong bán được nhiều vé qua hệ thống do mình cung cấp. Việc bán vé qua mạng của ga Hà Nội và ga Sài Gòn trước đây không thành công vì công nghệ chưa hiện đại lắm” - ông Thành nhận định.
Đại diện ga Hà Nội cho rằng đa số hành khách đi tàu hỏa là lao động nghèo, vẫn có thói quen trực tiếp tới ga để mua vé. Chính vì thế, vẫn phải duy trì nhiều hình thức bán vé song song nhưng bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch trên hệ thống. Ưu điểm của hệ thống do FPT cung cấp là có thể truy cập vào website của nhà ga để biết được những chỗ nào trên tàu đang trống mà đặt chỗ.
Theo ông Trần Ngọc Thành, việc khách hàng đặt chỗ qua mạng nhưng sau đó lại không mua vé hoặc có nhu cầu đổi trả lại thì đều được FPT tính toán kỹ trong đề án. “Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để ngành đường sắt lấy lại vị thế trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia” - ông Thành khẳng định.
Nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để tái cơ cấu toàn diện ngành đường sắt và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ trên các chuyến tàu. Dự kiến đầu tháng 10 tới sẽ hoàn tất việc lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách. Tuy nhiên, thống kê cho thấy số lượng hành khách đi tàu 6 tháng đầu năm tiếp tục giảm và chỉ đạt 96% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc không ít hành khách đi chặng đường dài đã chuyển sang hàng không giá rẻ. Rất nhiều lần lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ lo lắng về nguy cơ tụt hậu ngày càng lớn của ngành đường sắt so với các ngành vận tải khác.
Bình luận (0)