Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự.
Tại buổi lễ, phía Nhật đã trao và chuyển giao công nghệ 25 bộ thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương gồm hệ thống xung điện dẫn dụ cá, máy thu dây tự động... cho đội tàu cá của ngư dân địa phương. Dịp này, UBND tỉnh Bình Định cũng trao kinh phí hỗ trợ nâng cấp hầm bảo quản cho đội tàu 25 chiếc đánh bắt cá ngừ đại dương công nghệ Nhật và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường ĐH Kagoshima trong việc nghiên cứu khai thác tiềm năng thủy sản địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, với 134 km bờ biển, Bình Định hiện có 6.800 tàu thuyền các loại, với sản lượng đạt gần 200.000 tấn/ năm; trong đó, hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ với công suất trên 90 CV. Qua đó, ông Dũng đề nghị các hộ ngư dân tham gia dự án sẽ sẽ tiếp thu đầy đủ, thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của chuyên gia, ứng dụng thành công công nghệ đánh bắt tiên tiến vào sản xuất, đưa khai thác cá ngừ thành ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. “Tôi tin rằng với nỗ lực của địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật, dự án chuyển giao công nghệ và khai thác cá ngừ đại dương của Nhật cho ngư dân sẽ đạt kết quả, mục tiêu đề ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế thủy sản của tỉnh”, ông Dũng nói.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sự kiện này là một phần của dự án hiện đại hóa nghề cá ngừ Việt Nam do JICA tài trợ. “Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa triển khai thực hiện đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi. Đây là bước đột phá của ngành thủy sản trong tiến trình tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng hiện đại và hiệu quả”, ông Tám nói.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lên thăm một số tàu cá và ân cần hỏi thăm công việc, đời sống của cộng đồng ngư dân; động viên bà con yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Bình luận (0)