Hai ngư dân cùng ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi là Nguyễn Anh Tuấn (ngụ xã Nghĩa An) và Phạm Văn Cu (ngụ xã Nghĩa Phú) vừa có đơn gửi báo chí bày tỏ bức xúc vì bị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) đột ngột từ chối cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67)khiến họ thiệt hại nặng nề.
Lắm yêu cầu
Theo trình bày của hai ngư dân này, năm 2014, họ đăng ký làm thủ tục vay vốn tại Vietcombank Quảng Ngãi. Tháng 9-2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt danh sách có tên họ được vay. Tháng 10-2015, Vietcombank Quảng Ngãi tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu bổ sung thiết kế phê duyệt, dự toán giá tàu cùng ngư lưới cụ...
“Chúng tôi đến một cơ sở đóng tàu ở tỉnh Nam Định thuê thiết kế, dự toán giá mỗi tàu vỏ thép cùng ngư lưới cụ là 14,4 tỉ đồng. Mỗi người phải trả hơn 300 triệu đồng tiền thuê thiết kế. Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng chi phí quá cao nên không duyệt, yêu cầu tìm cơ sở đóng tàu khác nếu muốn vay vốn” - ông Tuấn kể.
Hai ông lại đến một cơ sở đóng tàu ở tỉnh Khánh Hòa và nơi đây nói phải 15,4 tỉ đồng mới chịu đóng. “Chúng tôi tiếp tục cầm dự toán báo giá từ Khánh Hòa về bổ sung cho Vietcombank Quảng Ngãi. Tháng 12-2015, Vietcombank Quảng Ngãi trả lời cơ sở đóng tàu ở Khánh Hòa đóng một số tàu cho ngư dân Quảng Ngãi bị lỗi nên yêu cầu tìm tiếp cơ sở khác, cụ thể là cơ sở đóng tàu Bạch Đằng ở TP Hải Phòng. Tuy nhiên, cùng thiết kế, cơ sở đóng tàu Bạch Đằng đòi 16,5 tỉ đồng” - ông Cu trình bày.
Do giá báo về từ Hải Phòng quá cao nên hai ông tham khảo giá của cơ sở đóng tàu ở Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) và được báo 15 tỉ đồng/tàu. Họ lại trình dự toán cho Vietcombank Quảng Ngãi.
Giá cao nhưng... rẻ !?
Sang năm 2016, Vietcombank Quảng Ngãi đồng ý và yêu cầu hoàn tất hồ sơ. “Chúng tôi hoàn thành hồ sơ nhanh chóng và mỗi người nộp 760 triệu đồng tiền đối ứng (5% theo quy định của Nghị định 67) cho Vietcombank Quảng Ngãi. Thế nhưng, Vietcombank Quảng Ngãi trả lời cơ sở đóng tàu ở Dung Quất không kinh nghiệm, nợ xấu… và nằng nặc yêu cầu chúng tôi phải đến cơ sở đóng tàu Bạch Đằng mới chịu. Họ còn nói nếu chấp nhận như thế thì hôm sau có tiền ngay. Về việc giá của cơ sở đóng tàu Bạch Đằng cao, ngân hàng nói đôi khi giá cao nhưng mà rẻ” - ông Tuấn bức xúc.
Sau đó, không thấy Vietcombank Quảng Ngãi hồi âm nên ngày 25-5, hai ngư dân làm đơn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng một số đơn vị nhờ can thiệp. “Nhận đơn, UBND TP Quảng Ngãi có văn bản cho Vietcombank Quảng Ngãi yêu cầu xem xét, giới thiệu cho chúng tôi chuyển hồ sơ qua ngân hàng khác vay vốn nhưng đại diện Vietcombank Quảng Ngãi nhất định không chịu. Họ hỏi chúng tôi sao không đợi mà có đơn gửi khắp nơi. Ngày 16-6, họ gửi văn bản thông báo chúng tôi không thuộc diện được vay vốn tại Vietcombank Quảng Ngãi” - ông Cu bức xúc.
Trong thông báo, Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng hai ngư dân này không có kinh nghiệm đối với nghề lưới rê do chưa từng hoạt động nghề này nên dự án không khả thi và không hiệu quả, không bảo đảm khả năng trả nợ. Ngày 22-6, bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi, cho biết việc ngân hàng thẩm định hai hồ sơ này không đạt hiệu quả nên không cho vay là bình thường. Đến tháng 5, hồ sơ vay mới hoàn chỉnh, ngân hàng thẩm định lần cuối và kết luận không cho vay. Trả lời câu hỏi vì sao yêu cầu ngư dân ra tận Hải Phòng để đóng tàu chứ không phải nơi khác, đại diện Vietcombank Quảng Ngãi cho rằng không yêu cầu mà chỉ giới thiệu, việc chọn cơ sở nào là quyền của ngư dân. Với khoản tiền 760 triệu đồng mỗi ngư dân đã đóng, Vietcombank Quảng Ngãi cho biết đó là một trong những điều khoản hoàn thiện hồ sơ vay vốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một ngân hàng khác tại tỉnh Quảng Ngãi (cũng cho vay vốn theo Nghị định 67) cho rằng Vietcombank Quảng Ngãi đã làm sai quy trình, gây khó khăn cho ngư dân. “Khi tiếp nhận hồ sơ, qua thẩm định ban đầu, ngân hàng phải trả lời họ có được vay vốn hay không, chứ không thể đột ngột chấm dứt nửa chừng. Sau đó, ngư dân mới đi tìm đơn vị đóng tàu, thiết kế, thống nhất giá cả… Còn tiền vốn đối ứng, theo quy định, ngư dân chỉ chứng minh có vốn đối ứng, không cần đóng trước. Khi giải ngân tiền vay mới nộp vốn đối ứng tương ứng. Nếu nói không đủ năng lực vay vốn thì yêu cầu đóng vốn đối ứng làm gì?” - vị này phân tích.
Theo ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, chi cục đã kiến nghị ngân hàng, UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét giúp đỡ hai ngư dân này vì họ đã bỏ vốn, công sức vào đó rất nhiều.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi làm việc với Vietcombank Quảng Ngãi nhưng họ vẫn không cho vay. “Ngân hàng sợ cho vay sẽ lỗ. Chúng tôi đã làm việc với họ nhưng họ không muốn cho vay nên đưa ra nhiều lý do để từ chối. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ làm việc lại với các ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân” - ông Thọ nói.
25 trường hợp rút hồ sơ vì thủ tục rườm rà
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh này có 25 trường hợp ngư dân xin rút hồ sơ không vay vốn theo Nghị định 67 và còn 78 trường hợp đang tiếp tục đăng ký vay. Các ngân hàng đã giải ngân được gần 150 tỉ đồng cho gần 30 ngư dân. Hầu hết các ngư dân xin rút vì thủ tục rờm rà, nhiêu khê, ngân hàng làm khó...
Bình luận (0)