Ngư dân Hồ Hoàn (55 tuổi, ở thôn Nhân Quang) bộc bạch: “Sau gần 5 tháng biển nhiễm độc, tôm cá chết, rơi vào cảnh điêu đứng, nay chúng tôi vui hẳn khi nghe tin biển đã hết ô nhiễm”.
Tại vùng biển xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), sáng 22-8, khá nhiều tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Nghe tin biển sạch, bà con ngư dân ở gần nhà máy Formosa càng thêm vui. Chị Võ Thị Nga (thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi) phấn chấn: “Nếu biển hết ô nhiễm, hải sản đánh bắt về tiêu thụ được thì cuộc sống của chúng tôi sẽ ổn định trở lại”. Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết từ nhiều tháng nay, chính quyền cũng như người dân đều mong đợi kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về độ an toàn của nước biển. Ông nói: “Thông tin về nước biển sạch là thông tin rất vui, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để bà con biết”.
Vui mừng là vậy nhưng vẫn còn đó nỗi lo của bà con ngư dân miền Trung khi mà thông tin quan trọng là cá biển đã an toàn hay chưa vẫn chưa được công bố. Ngư dân Chu Văn Hậu (thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi) lo lắng: “Trước đây, thuyền về bắt được mớ cá, ghẹ, mực... nào là bán được ngay. Giờ hải sản ít hơn, đi đánh về bán rẻ cũng không có người mua vì ai cũng sợ ăn vào bị nhiễm độc. Nếu bây giờ ra khơi đánh bắt hải sản về bán không ai mua, tiếp tục bám biển sẽ không biết lấy gì ăn”. Còn ngư dân Đặng Thanh Hài (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho rằng do ngư dân đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là mức tiêu thụ hải sản quá khiêm tốn. Do đó, bà con rất cần cơ quan chức năng sớm công bố hải sản đã an toàn hay chưa.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho rằng với việc công bố biển miền Trung đã sạch thì Chính phủ và các bộ, ngành cần có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích ngư dân tiếp tục quay trở lại với biển. Chia sẻ nỗi lo của ngư dân, ông Vũ kiến nghị: “Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm trả lời câu hỏi cá biển khi nào mới ăn được và tiêu thụ cá biển như thể nào để làm an lòng ngư dân vùng biển miền Trung”.
Bình luận (0)