Ngày 11-8, Bộ Y tế đã họp khẩn với đại diện tất cả các bộ, ngành để triển khai các biện pháp ứng phó virus Ebola đang có nguy cơ thâm nhập Việt Nam.
Lo nguồn bệnh từ khách du lịch
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, hiện mới nhận thông tin tại Nigeria (1 trong 4 nước có dịch Ebola) có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống, trong đó có 5 công dân ở ngoài vùng dịch, 10 công dân trong vùng dịch. Những người này vẫn khỏe mạnh, chưa bị ảnh hưởng gì.
Bộ Ngoại giao cũng đã có công văn gửi các đại sứ quán Việt Nam tại một số nước châu Phi để yêu cầu nắm thông tin về công dân Việt Nam, đồng thời tuyên truyền cho người dân biết các biện pháp phòng tránh dịch để tự bảo vệ mình khỏi virus Ebola.
Cũng liên quan đến công dân Việt Nam ở châu Phi, những ngày gần đây, Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều đoàn đưa hàng ngàn lao động ở Libya về nước sau khi quốc gia này xảy ra chiến sự. Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong ngày 11-8, tiếp tục có 94 lao động ở Libya được hồi hương. Tất cả lao động này khi về đến sân bay Nội Bài đều được làm các thủ tục kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, áp dụng tờ khai quốc tế để giám sát phòng chống bệnh Ebola theo quy định.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết thêm trong số 184 lao động ở Libya về nước vào chiều 10-8 có 26 người Hà Nội, chính quyền TP đã chỉ đạo ngành y tế địa phương giám sát những người này tại cộng đồng trong vòng 21 ngày, đồng thời thông báo cho các tỉnh-thành có số người còn lại để chủ động giám sát.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, thông tin tại một số nước châu Á như Thái Lan, Philippines đã xuất hiện các ca nghi ngờ nhiễm bệnh do virus Ebola là du khách và người lao động trở về từ các nước Tây Phi. Điều đó chứng tỏ nguy cơ dịch bệnh đến châu Á đã cận kề. Lo ngại nhất trong thời điểm này là những người trung chuyển qua 4 nước có dịch, chưa có dấu hiệu có bệnh nhưng chưa qua 21 ngày (ngưỡng an toàn không có bệnh). Du khách có thể qua Tây Phi, đến Trung Quốc rồi qua Việt Nam bằng đường bộ. Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu cán bộ cửa khẩu phải theo dõi sát hộ chiếu để xem hành khách nào đã qua Tây Phi, tránh bỏ sót các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng nhiều
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trong tình huống dịch bệnh xấu nhất, Bộ Ngoại giao cần đề ra giải pháp để rút các cán bộ ngoại giao của Việt Nam về nước. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan không cử cán bộ, không đưa lao động Việt Nam sang 4 nước có dịch cũng như không đưa lao động từ các nước này vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết dịch Ebola ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Trên thực tế, nguy cơ xâm nhập dịch Ebola sang các quốc gia theo đường du lịch là lớn nhất. Vì vậy, bộ đã yêu cầu các tỉnh - thành, các công ty du lịch, hiệp hội về du lịch tạm dừng việc đưa khách đến các vùng dịch cũng như có biện pháp phòng bệnh và bảo đảm sức khỏe cho khách du lịch từ vùng có dịch hoặc các thị trường liên quan đến vùng có dịch tới Việt Nam trong thời gian này.
Sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Ebola
Sáng cùng ngày, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc đáp ứng phòng chống dịch Ebola tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tại đây, Sở Y tế TP Hà Nội đã thành lập 2 phòng cách ly với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết, máy kiểm tra thân nhiệt và thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ vùng có dịch.
Cũng trong sáng 11-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chính thức thành lập Văn phòng Đáp ứng với các dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola đặt tại Cục Y tế dự phòng. Đây là đơn vị đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh khẩn cấp. Bộ Y tế đồng thời yêu cầu các cửa khẩu, sân bay quốc tế thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch vào Việt Nam. Các bệnh viện trung ương tại 3 miền đã sẵn sàng các trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm Ebola.
Theo thống kê, bệnh do virus Ebola đã khiến gần 1.800 người nhiễm bệnh, trong đó gần 1.000 người tử vong tại 4 nước Tây Phi (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone). Đã có hơn 200 cán bộ y tế bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 70 người đã tử vong.
Bình luận (0)