Phía sau những chộn rộn ngược xuôi ngày Tết là một phần bức tranh về đời sống dân lao động nhập cư đô thị. Chúng ta không thể quên những con số “biết nói”: Năm 2009, Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc ghi nhận riêng TP HCM, người nhập cư đóng góp 30% GDP. Nhưng một nghiên cứu khác của tổ chức ActionAid Vietnam mới đây cho thấy 90% người nhập cư tại các đô thị Việt Nam chưa tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội.
Dù muốn dù không, đô thị hóa cùng với nhập cư đô thị là xu hướng toàn cầu và đặc biệt mạnh mẽ tại các nước đang phát triển. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Đô thị như thỏi nam châm hút nguồn nhân lực và vì thế cũng là mảnh đất hứa cho biết bao khát vọng đổi đời, nhất là trong bối cảnh đời sống nông nghiệp truyền thống giữa cơ chế thị trường còn vô vàn khó khăn, diện tích đất đai canh nông bị thu hẹp, điều kiện mùa màng, giá cả phức tạp khó lường.
Bên mâm quả ngày Tết, những người “có quê để về” và có điều kiện về quê rôm rả câu chuyện thăng trầm trong quá trình học hành, mưu sinh, thăng tiến bản thân ở các thành phố. Họ không chỉ coi đô thị là nơi đến để “cầu thực” mà là để sống, để phát triển bản thân và nâng cao đời sống cả gia đình, thân nhân nơi chính miền quê mà họ quay lưng ra đi. Họ giấu bớt những khó nhọc, cố gieo vào lòng những người thân thuộc, xóm giềng nơi thôn quê những hứa hẹn lạc quan trong cuộc mưu sinh khốc liệt. Theo bước họ, nhiều người cũng rời quê, tìm đường ra phố dù biết chẳng phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu.
Đô thị, theo cách đó, đã trở thành một phần đời sống và chiếm lĩnh tâm trí của người nhập cư; mang theo biết bao ký thác, kỳ vọng và “trần ai” của họ. Đáp lại, các đô thị muốn phát triển bền vững cũng đang tìm cách giữ chân người nhập cư có chất lượng lao động cao bằng những chính sách thông minh để họ có thể phát huy tối đa sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển chung. Những đô thị lớn đúng nghĩa sẽ không chỉ là thỏi nam châm thu hút người từ các miền quê đến “cầu thực” mà phải tạo ra nơi họ một tình cảm gắn bó, đáng sống.
Gần đây, người ta nói nhiều đến sự bao dung trong tính cách thị dân. Tuy nhiên, sẽ trở nên mơ hồ, sáo rỗng nếu sự bao dung không được thể hiện cụ thể bằng những chính sách cởi mở và chu đáo, trước hết là với thành phần lao động di cư - thành phần dân số đang có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển mọi mặt của đô thị hiện đại.
Hình ảnh dòng người đổ về quê rồi trở lại thành phố vào dịp sau Tết mỗi năm có thể xem là một lần nhắc nhở những người làm chính sách về trách nhiệm không nhỏ và không dễ của mình
Bình luận (0)