Ơ xứ Láng Cò có một giống nếp được người dân gọi là nếp “thống lĩnh”, bởi nó vừa thơm ngon, cho năng suất cao vừa không bị thoái hóa gần ba thập niên qua. Nếp “thống lĩnh” gắn liền với cái tên Dương Văn Hữu (Hai Hữu, SN 1923), người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2002.
Ông Dương Văn Hữu (Hai Hữu) và giống nếp “thống lĩnh”
Bụi lúa lạ
Láng Cò là một vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng thuộc địa bàn ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Long An. Sau trận lụt lịch sử năm 1978, cây lúa miền Tây quằn quại bởi dịch rầy nâu, đẩy nông dân lâm vào cảnh đói khổ. Trong bối cảnh đó, ông Hai Hữu lặn lội sang huyện Chợ Gạo - Tiền Giang, tìm ông Hai Chung xin mua lại một ít giống kháng rầy vừa được nhà nước nhập về trồng thí điểm. Tại đây, ông Hai Hữu tình cờ có cuộc trò chuyện với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, đến tham quan trại nhân lúa giống Hai Chung. Chẳng những được ông Võ Văn Kiệt giúp mua một ít giống, ông Hai Hữu còn được vị lãnh đạo này gợi mở về một trại nhân lúa giống bề thế trên đất Long An.
Năm 1982, ông Hai Hữu được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Ô Môn mời đến xã Phú Mỹ (Tân Phước-Tiền Giang) xem thí nghiệm 76 giống lúa chịu phèn, kháng rầy. Ngay từ khi đến đây, ông chỉ chú ý đến bụi lúa lá đứng thẳng trong đám lúa trồng thí điểm, vì có lần ông nghe giáo sư Võ Tòng Xuân thuyết giảng lúa lá thẳng thường là giống tốt, chịu đựng được mọi điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Ông Hai Hữu xin kỹ sư canh nông Bùi Bá Bổng (nay là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) bứng bụi lúa này về nuôi dưỡng trên đất Láng Cò. Bụi lúa năm đó cho ông 230 hạt, ông lấy 10 hạt cà ra gạo và phát hiện đây không phải là giống lúa như các nhà khoa học đã gọi, mà nó là một giống nếp hạt tròn.
Giống nếp không thoái hóa
Ông Hai Hữu chọn ra 100 hạt nếp mới đem gieo trên một liếp đất trước nhà. Tất cả đều nảy mầm và tăng trưởng rất mạnh, nhưng bị chuột cắn hết phân nửa. Vì vậy, cuối vụ hè thu năm 1982, mấy hạt giống này cho người gieo trồng vỏn vẹn 7 kg nếp. Ông Hai Hữu đem tất cả số giống này gieo cấy vụ đông xuân năm đó và 7 kg nếp giống ấy đã cho ông 70 kg nếp sau khi đã phơi khô, quạt sạch. Sang năm 1983, ông chủ trương phân phát cho những người xung quanh từ 2 - 3 kg nếp giống để trồng thử. Tất cả đều vui mừng khi phát hiện đây là loại giống có sức sống mãnh liệt, chịu hạn, chịu phèn, kháng rầy bền bỉ. Vụ đông xuân 1983-1984, ông Hai Hữu cùng với bà con nông dân xứ Láng Cò bắt tay trồng đại trà giống nếp này. Rồi, không ai ngờ nỗi, ở vào thời điểm thiếu thốn phân bón, mà giống nếp lạ đã cho năng suất trên 6 tấn/ha. Từ vụ mùa bội thu năm đó, ông Hai Hữu mời những người cùng nhân giống đến nhà nấu ăn thử xem nó như thế nào. Những người ăn thử lúc bấy giờ ai cũng khẳng định đây là một giống nếp quý. Nó chẳng những hội đủ các tiêu chí đặc thù của các giống nếp đặc sản, mà còn hài hòa giữa độ dẻo của nếp, độ xốp của gạo. Vì vậy, ai thích gạo dẻo thì có thể nấu làm cơm ăn hằng ngày; còn ai thích nấu xôi, làm bánh, nấu rượu thì lấy nó làm nguyên liệu.
Theo ông Hai Hữu, đến năm 1985, Viện Lúa ĐBSCL đặt tên giống nếp quý này là OM 85, còn người tiêu dùng ở TPHCM và các đô thị lớn trong cả nước thì quen gọi là nếp Láng Cò. Năng suất giống nếp này không ngừng tăng theo thời gian, vụ hè thu cho năng suất ổn định 6,5 tấn/ha, vụ đông xuân vượt ngưỡng 10 tấn/ha. Đến năm 2001, giống nếp này được nông dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh và các huyện ngoại thành TPHCM trồng đại trà.
Nói về giống nếp này, ông Hai Hữu bộc bạch: “Trong suốt 34 năm tham gia nhân giống, tôi ưng ý nhất là nếp Láng Cò, bởi vì nó không có biểu hiện thoái hóa như những giống lúa khác. Trung bình, một giống lúa mới kháng rầy, có năng suất cao, được lai tạo từ các trung tâm nghiên cứu chỉ tồn tại tối đa là 7 năm, sau đó thoái hóa dần. Còn nếp Láng Cò thì đã 27 năm rồi mà vẫn chưa hề hấn gì”. Chẳng thế, trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, người anh hùng Dương Văn Hữu phải nhập viện chống chọi với những căn bệnh của tuổi già nhưng ông không quên bảo con cháu mang đến giường bệnh mấy bông nếp Láng Cò. Có người hỏi tại sao, ông mỉm cười, bảo: “Vì nó là niềm tự hào, là lẽ sống của tôi!”.
Xúc tiến thương hiệu độc quyền Theo ông Dương Văn Tiến, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Láng Cò (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An), HTX đang làm thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền giống nếp "thống lĩnh", lấy thương hiệu là nếp Láng Cò. Ngoài các thị trường truyền thống, nếp Láng Cò còn xuất qua Lào và một số nước Đông Nam Á khác. Hiện tại, với một hecta trồng nếp Láng Cò, nông dân lãi khoảng 25 triệu đồng. |
Bình luận (0)