Được kết nạp Đảng ngày 17-9-1947, đến năm 1948, tôi được điều động về công tác ở Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Cần Thơ. Sau đó, Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc chọn một số cán bộ thanh niên trẻ, có nhiệt tình cho đi học bồi dưỡng lớp chính trị do Liên đoàn Thanh niên Việt Nam Nam Bộ tổ chức ở Bạc Liêu. Từ lớp học, tôi mở mang sự hiểu biết về chính trị, quan hệ bạn bè được rộng rãi...
Rồi buổi đầu gặp gỡ... Một mực thủy chung
Một hôm, thầy Trần Chính giới thiệu cô học sinh Kim Cúc với thầy Nguyễn Văn Kỉnh. Vốn nữ nhi hay thẹn thùng trước người lạ, dù vậy, tôi vẫn say mê tham gia các hoạt động văn nghệ rồi đôi lúc rỗi rãi sực nhớ đến “người khách phương xa” ấy, không biết bây giờ anh ở đâu?
Vào một buổi sáng đẹp trời, bỗng tôi nhận được bức thư tay của anh gửi tới hỏi ý kiến. Tôi vừa đọc vừa hồi hộp, suy nghĩ miên man: Anh lớn tuổi hơn, cả hai chưa có sự hiểu biết nhau, anh đã xây dựng gia đình lần nào chưa? Đây là việc hệ trọng đến cả cuộc đời, tôi phải có thời gian xin ý kiến cha mẹ. Đầu óc tôi như rối bời.
Một ngày nọ, anh Lương Chí, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, đến gặp cha mẹ tôi đặt vấn đề xây dựng gia đình với anh Nguyễn Thượng Vũ, tức Nguyễn Văn Kỉnh. Sau thời gian nghĩ suy, cha mẹ tôi chấp thuận và tôi cũng ưng ý.
Khoảng tháng 11-1950, tại Đại hội Thanh niên Cứu quốc tỉnh Cần Thơ, anh Trần Bạch Đằng, Xứ Đoàn trưởng, về dự. Nhân dịp này, anh thông tin trước anh em quen biết: “Báo tin các bạn mừng, chị Mạc Thị Kim Cúc đã hứa hôn với anh Nguyễn Thượng Vũ”. Buổi lễ thành hôn của chúng tôi được Đảng tổ chức ngày 16-9-1951 do anh Lê Đức Thọ làm chủ hôn trong tinh thần tiết kiệm, văn minh, tiến bộ...
Anh thật sự giúp đỡ tôi với tình thương yêu chân chính, cao thượng, một mực thủy chung. Tôi noi gương anh ham học tập, đọc sách. Anh tạo điều kiện và động viên tôi phấn đấu học tập, từ THPT năm 1961 đến 1973 đã tốt nghiệp một số trường chính trị, văn hóa. Sống với nhau suốt cuộc đời, tôi thấy anh là người chồng có tâm hồn trong sáng, phong cách sống đẹp, tình cảm chan hòa. Và tôi thấy mình thật hạnh phúc.
Trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi công tác ở miền Tây, còn anh công tác ở miền Đông (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn) nên 2 lần sinh con thì 2 lần anh không có ở nhà. Cháu Nguyễn Kim Vũ sinh năm 1952, cháu Nguyễn Nam Vũ sinh năm 1954, lúc này tôi công tác gần mẹ và các em gái để nhờ giúp đỡ.
Lúc tôi mới sinh cháu bé, anh từ miền Đông về Cần Thơ dự hội nghị. Tôi vui mừng trông chờ qua 1 ngày, 2 ngày mà không thấy bóng dáng anh. Nghe tiếng mái chèo khuấy nước dưới sông, tưởng anh về nhưng không phải. Đến đêm thứ ba, anh mới về tới. Tôi nhẹ nhàng hỏi sao đến hôm nay anh mới về, có nhớ mẹ con em không? Anh cười, âu yếm vuốt má, hôn mẹ con tôi rồi thật lòng: “Anh không tự chèo đi được”...
Không lớn tiếng, nặng lời
Khi tôi sinh cháu Bắc Vũ được 2 tháng, anh được cử đi làm đại sứ ở Liên Xô, Roumanie và Albanie từ tháng 3-1957. Ngoài những lúc anh làm việc tập trung căng thẳng, tranh thủ dịp chủ nhật, chúng tôi đi tàu điện ngầm ra ngoại ô Moscow thư giãn.
Có lần, nhân lúc vui, tôi hỏi khéo anh: “Đàn ông thường nói “nhất vợ, nhì trời”, còn anh thì sao?”. Anh bảo tôi đừng giận thì mới nói. Theo anh thì “thứ nhất là vì Đảng, thứ nhì là Esperanto, thứ ba mới tới em”.
Tôi yên lặng nghe anh nói với thái độ nghiêm túc. Rồi tôi nghĩ anh là người sống vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp to lớn, lo xây dựng đất nước, lo cho nhân dân ấm no và hạnh phúc. Đối với gia đình, anh quan tâm chăm sóc với một tình yêu thương chung thủy, có trách nhiệm, hiền dịu, trầm tĩnh, lời nói nhẹ nhàng và có tính giáo dục. Vậy là đáng quý lắm rồi!
Sống với nhau trên 40 năm, tôi thấy anh chỉ khóc có một lần khi Bác Hồ qua đời mà thôi. Anh là con người trầm tĩnh, sống nội tâm, làm nhiều hơn nói. Theo anh, không gì nghèo bằng không có tài, không có chí.
Khi Nam Vũ lên 8 tuổi, dù rất ngoan, biết vâng lời cha mẹ, thông minh nhưng là con trai nên cũng rất năng động, nghịch ngợm. Anh dùng lời lẽ ôn tồn dạy bảo nhưng tôi thì thiếu phương pháp dạy con. Có lần, nghe phản ánh cháu nghịch quá, tôi bực mình đánh cho mấy roi. Anh nói: “Em nên đọc thêm sách nuôi dạy con”.
Khi Nam Vũ lên 9 tuổi, nhà có mua cây đàn accordion. Một hôm, cháu tháo ra hết rồi lắp chính xác như ban đầu, không hề sai lệch. Tôi khích lệ, còn anh cười có vẻ bằng lòng về việc con có chí tìm tòi học hỏi. Trong cuộc sống gia đình, anh luôn giữ nề nếp, bảo đảm hạnh phúc, có những việc chưa hiểu nhau là bình tĩnh lựa lời hay lẽ phải, tôn trọng nhau giải quyết êm thấm, nhẹ nhàng.
Mức lương đại sứ có hạn nên chúng tôi phải tự tiết kiệm cho cá nhân và quản chặt mọi chi phí của sứ quán. Một hôm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm. Bác bồng Bắc Vũ trên tay, cùng chụp ảnh với vợ chồng tôi và cháu Nam Vũ. Thấy Bắc Vũ đi giày “há mồm”, còn Nam Vũ mặc áo len thủng phía trước, chân mang tất không giày, bác giật mình nhắc đừng để con cái ở xứ lạnh ăn mặc sơ sài không đủ ấm.
... Vào hè 1981, bệnh của anh tái phát nên các bác sĩ đề nghị cho đi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Moscow - Liên Xô. Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng cuối cùng vẫn phải báo tin bệnh của anh trở nặng. Tâm trí tôi rối bời..., bưng chén cơm pha trộn nước mắt mà không thể nuốt nổi.
Anh Nguyễn Văn Kỉnh đã vĩnh biệt chúng ta hồi 6 giờ sáng 26-10-1981 tại Moscow. Một đồng chí cộng sản, một người bạn đã đi vào cõi vĩnh hằng...
Hy sinh lợi ích riêng tư
Khi đất nước được giải phóng, có người khuyên anh nên xin lại 6 căn phố ở đường Nguyễn Trãi và 2,2 ha đất ở Bình Chánh (TP HCM), có đủ bằng khoán của cha mẹ để lại. Anh trả lời rất khoan dung: Nên giao lại cho nhà nước quản lý, sử dụng vào mục đích cao cả hơn. Khi nhà nước có ý định cấp nhà rộng lớn, anh lại từ chối, chỉ muốn có một phòng đủ cho gia đình ở là được rồi.
Tuy xuất thân là dân Tây nhưng anh sinh hoạt, ăn ở giản dị, trong sáng, không xa hoa lãng phí. Anh là người chung thủy, vợ chồng sống bình đẳng, thương yêu đầm ấm, khen chê đúng mực. Với 3 con, anh quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kiến thức, lấy giáo dục thuyết phục làm chính, không hề dùng bạo lực, không lớn tiếng nặng lời.
Mãi mãi nhớ thương anh, người chồng mến yêu, người cha mẫu mực!
Bình luận (0)