xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người con ưu tú của làng

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Trong 10 năm, tổng số tiền mà gia đình cựu thuyền trưởng Phan Hải tài trợ cho các công trình phúc lợi ở làng biển Lý Hòa lên đến 48 tỉ đồng

Lần đầu về làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi có đèo Lý Hòa trên Quốc lộ 1, tôi nghe là lạ không hiểu vì sao dân ở đây gọi ông Phan Hải (ngụ quận 1, TP HCM) là “người con ưu tú của làng” hay “đại gia của dân nghèo”.

Cựu thuyền trưởng Phan Hải
Cựu thuyền trưởng Phan Hải

Nhiều năm ghé lại làng biển này, chứng kiến hàng loạt công trình phúc lợi hoành tráng liên tiếp mọc lên, tôi mới biết dân làng gọi thế bởi vị cựu thuyền trưởng của nhiều con tàu vận tải lớn nhất nước, từ khi về hưu (năm 2005) đến nay, đã cùng vợ con dồn hết công sức, tiền của gia đình để giúp làng. Điều khiến nhiều người bất ngờ là trong 10 năm qua, tổng số tiền mà gia đình ông Hải tài trợ cho các công trình phúc lợi ở làng biển này lên đến con số 48 tỉ đồng.

Khu công viên văn hóa mà ông Phan Hải đang xây dựng cho xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Khu công viên văn hóa mà ông Phan Hải đang xây dựng cho xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Khát khao vượt đại dương

Ông Phan Hải là con út trong 8 người con của một gia đình nhiều đời sống ở làng biển Lý Hòa. Cũng như hầu hết trẻ con ở làng biển nghèo này, 10 tuổi, ông Hải phải lên thuyền theo cha ra khơi xa buông lưới để lo miếng ăn cho gia đình.

Những ngày không đi biển, ông nghe lời cha vượt sông Gianh qua tận thị trấn Ba Đồn kiếm chữ. Rồi ông thi đậu vào Trường Hàng hải Hải Phòng của Bộ Giao thông Vận tải, chọn học ngành thuyền trưởng để thực hiện ước mơ sau này điều khiển những con tàu vượt đại dương, thỏa nỗi đam mê chinh phục biển. Đấy là những năm 1961-1963.

Nhờ học giỏi lại được tôi rèn sóng gió từ nhỏ, ông Hải được nhà trường giữ lại sau khi tốt nghiệp cùng với 3 sinh viên của các tỉnh khác để đào tạo tiếp chương trình trung cao trước khi điều về Công ty Vận tải Biển của Bộ Giao thông Vận tải, làm thuyền phó của tàu Việt - Ba trọng tải 4.500 tấn, là con tàu vận tải biển lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Ông kể con tàu này lớn thế nhưng vẫn gặp nạn vào ngày 26-3-1966. Đó là chuyến chở than từ Quảng Ninh sang Trung Quốc. 13 giờ hôm ấy, tàu vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) thì bị sóng lớn đánh chìm. Ông phát tín hiệu cấp cứu nhưng tín hiệu từ đảo báo ra cho biết nơi tàu chìm là những bãi đá ngầm cực kỳ nguy hiểm, tàu cứu nạn không thể ra cứu. Phải vật lộn với sóng to và những bãi đá ngầm đến gần 24 giờ, thủy thủ đoàn mới vào được đảo. Ông bảo đấy là một sự may mắn khó diễn tả nổi.

Năm 1968, ông được chọn đi Ba Lan đào tạo thuyền trưởng cho tàu viễn dương. Năm 1971, ông về nước, gặp lúc Mỹ leo thang gây chiến ở miền Bắc. Đó cũng là những năm tháng ông vinh dự được làm thuyền phó rồi thuyền trưởng của tàu Hòa Bình - con tàu vận tải được chọn đi lấy gạo từ Trung Quốc chuyển về nước và đưa về cảng Hòn La của tỉnh Quảng Bình để phục vụ tuyến lửa.

Trong ký ức của ông, thời gian điều hành tàu Hòa Bình ghi dấu ấn đặc biệt nhất trong đời. Tàu luôn phải đi giữa vô số thủy lôi của địch lập lờ trong sóng biển. Ban đêm, để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện, tàu phải tắt đèn tuyệt đối nên dò dẫm đi trong sự hồi hộp cao độ của tất cả thủy thủ đoàn. Họ phải nhìn vào sao trời và bóng núi ven bờ để dò đường đi. Cứ mỗi chuyến tàu đầy gạo vào Quảng Bình an toàn, tất cả mọi người mừng vui khôn xiết.

Sau giải phóng, ông Hải được giao làm thuyền trưởng của các tàu Cửu Long và Cửu Long 2 - những tàu chở dầu trọng tải 20.000 tấn theo hải trình từ cảng Hải Phòng đi nhiều nước Đông Âu, Trung Đông - cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2005. Đó là quãng thời gian Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành vận tải hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và thế giới. Chính vì thế, ông Hải và thủy thủ đoàn tàu Cửu Long thường xuyên được nhiều lãnh đạo đến thăm sau mỗi lần cập cảng.

Sống đạm bạc để giúp quê nhà

Nghỉ hưu, ông Hải cùng vợ con dồn vốn liếng làm kinh tế bằng việc mở dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà đất ở TP HCM. Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió giúp gia đình ông ổn định. Dù vậy, gia đình ông vẫn chọn lối sống đạm bạc để có cơ hội giúp đỡ quê nhà. Hàng loạt công trình đã được gia đình ông lần lượt đầu tư xây dựng cho làng biển Lý Hòa.

Hằng tháng, cứ mươi hôm, dân làng Lý Hòa lại thấy ông có mặt ở quê trong những bộ áo quần bình dị, đi trên chiếc xe máy tuềnh toàng dạo khắp nơi trong làng để chuyện trò với bà con. Vừa nhìn thấy ông ghé trường mẫu giáo, thoắt cái đã thấy ông dãi nắng đi dọc đường làng ven biển. Đến chỗ nào ông cũng hỏi han tỉ mỉ, ghi chép từng hoàn cảnh cụ thể rồi quay về UBND xã để tìm phương kế phối hợp giải quyết.

Nhân một lần ghé vào trường học, được nghe và thấy học trò cùng các cô giáo phải học trong điều kiện nóng nực, thiếu thốn học cụ, ông hỏi kỹ và biết thêm rằng còn lâu ngân sách nhà nước mới có thể đầu tư cho hoạt động giáo dục ở một làng biển nghèo đạt chuẩn quốc gia. Vậy là ông quay vào

TP HCM, vận động vợ con giúp làng xây những dãy phòng học 2 tầng đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại cho trường tiểu học rồi trường THCS, mỗi trường gần 4 tỉ đồng; rồi tượng đài liệt sĩ và nhà truyền thống (4 tỉ đồng), trường mầm non (4 tỉ đồng), trạm xá, chùa Lý Hòa khang trang; là khu sản - nhi, hệ thống chiếu sáng cho con đường ven biển gần 2 km... Đầu tư công trình nào, ông Hải cũng mời cho bằng được kiến trúc sư giỏi từ TP HCM, Hà Nội về tận nơi để thiết kế rồi đích thân đưa thợ về thi công và ông trực tiếp giám sát.

Bây giờ, ai đến Lý Hòa cũng ngạc nhiên vì khó thấy làng biển nào lại có những công trình xã hội dân sinh hoành tráng như thế. Ít ai biết chính tình cảm, công sức lẫn tiền của do chính con em của làng, mà tiêu biểu nhất là gia đình ông Phan Hải, đã thay đổi nhanh chóng diện mạo của làng.

Cuối năm 2014, ở tuổi 72, ông Hải vẫn liên tục quay về làng cùng các kiến trúc sư theo sát tiến độ công trình khu công viên văn hóa. Công trình xây dựng trên diện tích 7.500 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, gồm những hạng mục phục vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và có khả năng sinh hoạt cộng đồng cùng lúc cho khoảng 1.000 người.

Ngồi trên ban công nhà hướng mặt ra hồ Con Rùa ở quận 1, TP HCM, ông Phan Hải bồi hồi: “Nếu còn sức khỏe và ông bà còn cho làm ăn được, gia đình tôi vẫn tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi cho quê hương Lý Hòa, nơi đã sinh ra vợ chồng tôi”.

 

Rất đáng trân trọng

Dự lễ khánh thành Trường Mầm non Lý Hòa - công trình đạt chuẩn quốc gia do gia đình ông Phan Hải đầu tư cho xã Hải Trạch, ông Lương Ngọc Bính - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Bình là nơi tuyến lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, không chỉ xã Hải Trạch mà hầu hết các địa phương trong tỉnh đều rất khó khăn về hạ tầng cơ sở, các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, việc con em tỉnh nhà cùng góp sức chung tay xây dựng quê hương với những điển hình như gia đình ông Phan Hải là điều rất đáng trân trọng”.

Trường Mầm non Lý Hòa được gia đình ông Phan Hải đầu tư 
4 tỉ đồng
Trường Mầm non Lý Hòa được gia đình ông Phan Hải đầu tư 4 tỉ đồng

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo