Nằm khuất trong một ngôi làng nhỏ ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, danh tiếng dòng họ Trần của gia đình ông Trần Danh (SN 1945) dường như đã lan tỏa khắp tỉnh Bạc Liêu.
Học để thoát nghèo
Hành trình tạo nên “dòng họ học tập” của ông Trần Danh cũng lắm gian nan, vất vả. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, liền kế đó là 3 ngôi nhà khác của các con, ông mỉm cười, bảo: “Đây là thành quả do học tập mang lại chứ gia đình tôi không có nhiều đất đai và cũng không kinh doanh gì khác”.
Mấy chục năm trước, lúc các con của ông còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Vợ chồng ông chỉ có vài công ruộng để canh tác, làm kế sinh nhai. Suốt ngày lam lũ với ruộng đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn chưa đủ ăn, đủ mặc. Khi các con lần lượt tới tuổi đến trường, vợ chồng ông phải thức khuya, dậy sớm gánh từng rổ rau ra chợ bán kiếm thêm tiền đổi gạo và mua sách vở, dụng cụ học tập cho các con.
“Mỗi sáng, nhìn con ăn vội chén cơm nguội, củ khoai để đến trường mà lòng tôi quặn thắt. Lúc đó, tôi càng thêm quyết tâm không để các con thất học. Vợ chồng thắt lưng buộc bụng, vất vả đến mấy cũng phải tạo điều kiện tốt nhất cho các con được đến trường” - ông Trần Danh trải lòng.
Đáp lại tấm lòng, công lao cực khổ của cha mẹ, các con của ông Trần Danh càng cố gắng học tập hơn. Thế nhưng, có lúc gia đình ông gặp cảnh khó khăn, con đường học tập của các con tưởng chừng chấm dứt. Thương cha mẹ vất vả nên người con lớn Trần Thị Hoa Ry từng muốn nghỉ học, phụ giúp cha mẹ để nuôi các em tiếp tục đến trường. Bằng tấm lòng và quyết tâm của một người cha, ông Trần Danh không ngừng phân tích, động viên con gái vững chí mà lo học hành. “Tôi nói với các con là dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng vượt qua. Chỉ có học tập mới thoát được hoàn cảnh khó khăn hôm nay. Cha mẹ vất vả là vì tương lai của các con nên dù có cực khổ đến mấy mà các con học tốt là hạnh phúc của cha mẹ. Các con bỏ học là phụ lòng cha mẹ” - ông Trần Danh kể lại.
Quả ngọt hôm nay
Bằng sự cố gắng vượt khó, chăm chỉ học tập cùng với sự động viên của cha mẹ, đến nay, cả 4 con gái của ông Trần Danh đều có trình độ đại học và thành đạt. Nổi bật nhất là người con đầu Trần Thị Hoa Ry, hiện là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu; nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu liên tiếp các khóa X, XI, XII. Bà Hoa Ry là đại biểu trẻ tuổi nhất trong Quốc hội khóa X, cũng là đại biểu có những câu chất vấn gây ấn tượng với các vị bộ trưởng vì sự chặt chẽ trong lập luận cũng như thái độ quyết tâm “truy” đến cùng sự việc.
Năm 2010, bà Trần Thị Hoa Ry từng khiến dư luận xôn xao, thán phục khi mời bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đi thực tế kiểm tra chất lượng đường Nam Sông Hậu. Trước khi đặt câu hỏi với một vị bộ trưởng nào đó, nữ đại biểu dân cử này xuống tận cơ sở để tìm hiểu thực tế, thu thập những điều mắt thấy tai nghe, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu để yêu cầu người trả lời chất vấn phải đối diện trực tiếp cũng như giải quyết rốt ráo vấn đề.
Người con thứ hai của ông Trần Danh là Trần Thị Hoa Thi, hiện là hiệu trưởng một trường tiểu học của xã Hưng Hội. Người con thứ ba Trần Thị Hoa Đy là cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trong khi con gái út Trần Thị Hoa Ni đang là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
Nay các con của ông Trần Danh đều đã lập gia đình riêng, tiếp tục tạo nên những “gia đình học tập”. Những người con của ông tiếp tục truyền thống hiếu học, đã và đang nuôi dạy các con, các cháu chăm ngoan học tập. Từ đó đã tạo nên một dòng họ học tập tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.
Không chỉ lo cho dòng họ của mình, ông Trần Danh còn khuyên nhủ các gia đình trong xóm ấp cố gắng cho con cháu đi học để có kiến thức, nhất là kiến thức về khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tế, làm ăn vươn lên thoát nghèo. Với uy tín vốn có, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB “Gia đình học tập - Dòng họ học tập” ở địa phương. Ông Trần Danh cho biết nhiệm vụ chính của CLB là vận động, đóng góp quỹ để giúp đỡ, tạo điều kiện cho con cháu và các học sinh nghèo ở địa phương có điều kiện đến trường.
Ông Trần Danh quan niệm học tập sẽ đem lại cho con người cuộc sống tốt, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí. “Học còn để làm người, để nâng cao trình độ văn hóa, để biết cách rèn phẩm chất đạo đức, trở thành công dân tốt, có đủ đức - tài phụ vụ xã hội” - ông bộc bạch.
Chạy xe ôm, nhặt ve chai nuôi con ăn học
Nói đến truyền thống hiếu học của người Khmer ở Bạc Liêu, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến gia đình của ông Thạch Sa Ry ở phường 1, TP Bạc Liêu. Là hộ dân tộc Khmer nghèo với thu nhập bấp bênh từ nghề chạy xe ôm và thu mua ve chai nhưng ông Thạch Sa Ry vẫn quyết chí cho con học hành đến cùng.
Nhìn tấm bằng công nhận “Gia đình hiếu học” được treo trịnh trọng trên tường, vợ chồng ông Thạch Sa Ry kể hằng ngày, ông đã có mặt tại các bến xe, chợ đầu mối để chở khách từ rạng sáng đến đêm khuya. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề chạy xe ôm vẫn không đủ sức trang trải cuộc sống khi các con ngày một lớn, chi phí học tập ngày càng tăng. Thương chồng vất vả, vợ ông vừa phải chăm lo việc nhà vừa tranh thủ đi nhặt phế liệu để kiếm thêm thu nhập.
Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, các con ông luôn cố gắng học tập, rèn luyện với mơ ước đổi đời. Hiện 3 người con của ông thì một người kinh doanh tạp hóa, kinh tế ổn định; một người tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật và người con út vừa tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP HCM.
Kỳ tới: Kỳ nhân Bảy Núi
Bình luận (0)