2 ngày nay, ngôi nhà ven biển của gia đình anh Lê Văn Thảo (SN 1987, thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) lúc nào cũng nườm nượp người kéo đến để tận mắt chứng kiến, quay phim chụp ảnh con hải cẩu mà anh Thảo bắt được.
Anh Thảo kể, khoảng 15 giờ chiều 15-8, khi đang làm việc tại bờ biển Tam Thanh (anh Thảo là thành viên Đội cứu hộ bãi biển Tam Thanh), anh và một số người dân phát hiện con hải cẩu lên bờ biển tắm nắng. Anh Thảo sau đó đã cùng với một số người dân dùng võng vây bắt. “Phải một lúc sau chúng tôi mới khống chế được con hải cẩu này. Lúc đầu nó hết sức hung dữ” – anh Thảo kể.
Con hải cẩu này được anh Thảo nuôi trong chiếc thuyền thúng chờ bàn giao
Anh Thảo sau đó đã đưa con hải cẩu này về nhà và nhốt ở trong một chiếc thuyền thúng có chứa nước biển. Theo quan sát, con hải cẩu này dài hơn 1 m, nặng khoảng 40 kg. Đến trưa 16-8, con hải cẩu này trông vẫn khá khỏe mạnh dù anh Thảo cho biết từ khi đưa lên bờ, anh đưa thức ăn vào nhưng con hải cẩu này không ăn.
“Có ít nhất 2 con hải cẩu vẫn thường hay vào ra ở bãi biển này. Nhiều lần ngư dân vây bắt nhưng giờ mới bắt được. Một số ngư dân đi thả lưới cũng hay bắt gặp và lưới của nhiều người đã bị hải cẩu cắn rách” – anh Thảo chia sẻ và cho biết ý định của anh là bắt con hải cẩu này để bàn giao cho cơ quan chức năng để nó không cắn phá lưới của người dân nữa.
Anh Thảo cũng cho biết anh tự nguyện bàn giao con hải cẩu này cho cơ quan chức năng và không có chuyện các ngư dân bắt đem bán hoặc làm thịt như tin đồn.
Người dân nườm nượp kéo đến xem hải cẩu
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho biết sau khi người dân báo cáo sự việc, UBND xã đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam và liên hệ trực tiếp với Viện Hải dương học Nha Trang (đóng ở tỉnh Khánh Hòa). Các cán bộ ở Viện Hải dương học Nha Trang cho ông Bình biết nếu bây giờ thả con hải cẩu này về lại với biển thì trong vòng 1 tháng con này sẽ chết vì không đảm bảo điều kiện sinh sống vì loài này thường ở xứ lạnh. “Các cán bộ tại Viện Hải dương học Nha Trang đang trên đường ra Quảng Nam. Dự kiến chiều 16-8 họ sẽ ra đến nơi và chúng tôi sẽ bàn giao hải cẩu này để họ đưa về nuôi. Người ta cũng cho rằng con hải cẩu còn lại trên biển mà ngư dân thường thấy cũng sẽ khó sống sót trong vòng 1 tháng nữa” – ông Bình cho hay.
Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết hải cẩu là loài động vật quý hiếm thường sinh sống ở xứ lạnh. Việc loài này xuất hiện ở vùng biển Quảng Nam là điều khá kỳ lạ.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hải cẩu xuất hiện ở vùng biển Việt Nam. Trước đó, loài hải cẩu cũng từng mắc lưới của ngư dân ở các miền Trung như Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng. Theo các chuyên gia, hầu hết những con hải cẩu này đều còn nhỏ thuộc loại hải cẩu đốm (tên khoa học là Phoca largha) sống ở vùng biển xứ lạnh. Nhiều khả năng chúng bị lạc đàn rồi trôi dạt xuống vùng biển nhiệt đới ở miền Trung Việt Nam. Hiện Viện Hải dương học Nha Trang đang nuôi dưỡng một số cá thể hải cẩu do ngư dân ở Thừa Thiên - Huế và Ninh Thuận bắt được nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và tham quan.
Bình luận (0)