xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người dân bị vạ lây

Nhóm phóng viên

Không thể phủ nhận sự đóng góp của thủy điện vào sự phát triển kinh tế - xã hội song việc xây dựng tràn lan, đa phần là thủy điện nhỏ và vừa, khiến không chỉ rừng đầu nguồn bị tàn phá mà đời sống người dân cũng gánh nhiều hệ lụy

Miền Trung là khu vực có nhiều thủy điện nhất cả nước, chỉ tính riêng 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có trên 60 dự án. Người dân ở khu vực này lo sợ nhất là việc thủy điện xả nước vào mùa mưa lũ và phải khổ sở tái định cư (TĐC).

Vận hành lạ đời

42 dự án thủy điện đã, đang và rục rịch xây dựng ở Quảng Nam “phủ sóng” khắp 10 huyện miền núi của tỉnh, ảnh hưởng đến 3.270 hộ dân với 14.850 người. Trong đó, 1.733 hộ phải di dời, TĐC.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, hơn 320 hộ được bố trí TĐC ngay tại lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh. Chỗ ở mới có độ dốc lớn lại nằm trong khu vực rừng phòng hộ, trong khi người dân không có đất sản xuất nên phải vào rừng chặt cây làm rẫy. Trong 5 năm qua, ở lưu vực thủy điện Sông Tranh 2 và Sông Tranh 3, người dân đã đốn hạ 108 ha rừng với nhiều loại cây quý hiếm để làm nương rẫy.

Thực tế ở 2 thủy điện này cho thấy sau khi nhường đất làm dự án, đến nay, chưa có bản làng, thôn xóm nào khá lên nổi. Theo ông Đinh Văn Minh - Trưởng thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My - 151 hộ TĐC của thôn nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí sống khổ sở hơn nơi cũ. “Do khổ quá, 24 hộ đã bỏ khu TĐC quay về gần làng cũ làm ăn, sinh sống” - ông Minh cho biết.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cũng đánh giá đa phần người dân TĐC gặp khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Điển hình, sau gần 10 năm TĐC, người dân vùng thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa nhận được đất sản xuất, chưa có giấy chứng nhận đất và sống nhờ vào sự hỗ trợ.

Đặc biệt, sự vận hành lạ đời của nhiều thủy điện khiến người dân không khỏi bất an. Vào mùa nắng, khi vùng hạ du rất cần nước để cứu ruộng đồng thì nhiều thủy điện lại không chịu xả nước. Ngược lại, đến mùa mưa bão, khi đồng bằng mênh mông nước thì thủy điện lại xả lũ cấp tập. Nhiều người dân Quảng Nam đến giờ vẫn chưa thể quên mùa lũ năm 2009, việc thủy điện “oanh tạc” đồng bằng đã làm 8 người chết, hơn 300 người bị thương, 35.000 nhà bị ngập nước...

Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ dân đã rời khu tái định cư về sống chênh vênh bên bờ hồ thủy điện Đắk H’rinh Ảnh: HOÀNG THANH
Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ dân đã rời khu tái định cư về sống chênh vênh bên bờ hồ thủy điện Đắk H’rinh Ảnh: HOÀNG THANH

Tại Quảng Ngãi, theo một cán bộ Sở Công Thương, dù nhiều thủy điện đã, đang và sắp triển khai (đến nay là 19 dự án) nhưng hiệu quả mang lại khá khiêm tốn. “Một số dự án chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng về cung cấp điện, trong khi phải đánh đổi nhiều thứ như đất rừng, đất sản xuất bị mất, người dân bị vạ lây” - ông lo ngại.

Với thủy điện Đăk Re ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vừa bị đình chỉ thi công mới đây, ông Phạm Văn Dẹm, người dân xã Ba Xa, bức xúc: “Hàng chục hecta rừng tự nhiên, sản xuất của rất nhiều người dân bị lấy để làm thủy điện nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đền bù. Trong khi đó, họ đã ngang nhiên vào thi công, làm đường rầm rộ”.

Thấy được hệ lụy khó lường của việc xây dựng thủy điện tràn lan, ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi - luôn bày tỏ sự phản đối. Trong hầu hết các cuộc họp liên quan, ông điều cật lực phản đối xây thủy điện trên địa bàn. Huyện Sơn Hà từng có đến 18 thủy điện được quy hoạch nhưng sau khi bị loại dần, hiện chỉ có thủy điện Nước Trong đã xây xong và vài dự án đang triển khai. “Quan điểm của huyện trước sau như một là không xây dựng bất kỳ thủy điện nào nữa, tránh gây hại cho dân. Hầu hết người dân Sơn Hà cũng đều phản đối xây thủy điện” - ông cho biết.

Khổ sở tái định cư

TĐC cũng là nỗi khổ của hàng ngàn hộ dân khu vực Tây Nguyên khi nhường đất cho các công trình thủy điện. Với hàng trăm thủy điện lớn nhỏ, tại nhiều vùng TĐC mà chúng tôi có dịp đến, đời sống của người dân luôn gặp nhiều khó khăn.

Sau hơn 2 năm nhường đất cho thủy điện Đắk H’rinh, hàng chục hộ dân xã Đắk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum hiện vẫn sống lay lắt vì chưa nhận được đất canh tác. Người dân vẫn cứ khiếu kiện dây dưa về việc đền bù chưa thỏa đáng, yêu cầu hỗ trợ tiền, thanh toán chênh lệch khi xây nhà TĐC, sớm cấp đất sản xuất…

Bất chấp nguy hiểm, 11 hộ dân làng Vương, xã Đắk Nên vẫn đành sống chênh vênh bên bờ hồ thủy điện Đắk H’rinh, không chịu về lại khu TĐC. “Về khu TĐC thì không có đất sản xuất, trong khi đất đai bà con canh tác ở đây thì chính quyền lại lấy cấp cho người khác” - một người dân phản ánh.

Thay mặt hàng trăm người dân bị ảnh hưởng, chị Đinh Thị Ơn cho biết những ngày đầu nhường đất cho thủy điện Đắk H’rinh, nhà TĐC chưa xây nhưng chủ đầu tư đã tích nước nên người dân buộc phải chuyển đi. “TĐC gì mà 4-5 gia đình cùng ở 1 nhà tạm nhiều ngày liền. Sau hơn 2 năm nhường đất cho thủy điện, đời sống chúng tôi ngày càng cơ cực” - chị rầu rĩ.

Trong khi đó, với Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak mà một vị đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã thẳng thừng cho là “công trình sai lầm thế kỷ”, người dân vùng hạ du đang đối mặt nguy cơ mất trắng mùa vụ do thủy điện này chỉ cấp nước nhỏ giọt. Theo ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - trên địa bàn có khoảng 390 ha cây trồng các loại bị thiệt hại, một phần là do thủy điện An Khê - Kanak cố giữ nước.

“Lượng nước đổ về sông Ba vốn duy trì 150-200 m3/giây, do thủy điện này nên hiện chỉ đạt 13-15 m3, ảnh hưởng lớn tới đời sống của bà con hai bên sông” - ông Duyên dẫn chứng. Điều đáng nói là vào tháng 11-2013, khi thủy điện An Khê - Kanak bị vùi lấp và đột ngột xả nước lưu lượng lớn về hạ du, gây thiệt hại lớn về hoa màu, vật nuôi cho người dân nhưng đến nay vẫn không chịu bồi thường.

Ảnh hưởng khó lường

Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk - từ khi Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A đi vào hoạt động, người dân địa phương đã gánh chịu nhiều hệ lụy như mất đất sản xuất, mất nguồn lợi thủy sản, thiếu nước…

“Do đó, nếu xây dựng thêm Nhà máy Thủy điện Đrang Phốk (dự kiến cuối năm nay, ở vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, huyện Buôn Đôn) thì đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng khó lường” - ông Dũng băn khoăn.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo