Bắt đầu từ năm 2018, Bộ Tài chính và các địa phương sẽ phải công khai báo cáo tài chính (BCTC) hằng năm để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát. Đây là nội dung của dự thảo Nghị định về BCTC nhà nước đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, việc công bố BCTC được thực hiện ở 2 cấp độ: nhà nước (Bộ Tài chính) và các địa phương, cụ thể là công bố tại cổng thông tin điện tử. Riêng Bộ Tài chính còn phải công bố bằng bản in.
Mục tiêu của BCTC nhà nước là cung cấp thông tin về tình hình, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ bao gồm tài sản nhà nước, nợ công và các khoản phải trả, nguồn vốn của nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước. Báo cáo này cũng yêu cầu công khai tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính làm căn cứ để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế chính sách về tài chính, ngân sách.
Cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo nghị định này nhằm thực hiện theo quy định của Luật Kế toán năm 2015. Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu được thông tin về BCTC đất nước hiện rất lớn. Đó không chỉ là nhu cầu của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, của người dân nhằm thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát mà ngay cả nhà đầu tư, nhà tài trợ, tổ chức nước ngoài cũng đặt ra yêu cầu tương tự. Nếu những thông tin về tài chính quốc gia được cung cấp đầy đủ, tin cậy thì uy tín của Việt Nam sẽ được tăng lên, có tác động giúp được vay nợ trong điều kiện thuận lợi hơn về lãi suất, thời hạn vay, khoản vay...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng đây là một bước tiến mới trong quản lý, điều hành của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế. Tại nhiều quốc gia, việc giám sát tài chính nhà nước rất công khai, người dân còn biết được mỗi người gánh nợ bao nhiêu thông qua đồng hồ nợ công đặt ở nơi công cộng.
“Việc công khai BCTC nhà nước lẽ ra phải thực hiện từ lâu rồi, bây giờ mới chuẩn bị làm cũng là chậm. Với cơ chế hiện nay, VAFI cũng rất khó tiếp cận các thông tin về tài chính, ngân sách chứ đừng nói đến người dân” - ông Hải cho biết.
Thất thoát, tham nhũng sẽ giảm?
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng hiện nay, đa số các vụ sai phạm dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, tham nhũng đều do đơn thư tố cáo từ nội bộ và dư luận báo chí. Nếu thông tin về tài sản, tiền tệ nhà nước được công khai thì người dân sẽ chú ý hơn. Khi đó, thủ trưởng các cơ quan sử dụng ngân sách sẽ phải dè chừng, không dám làm liều, sử dụng ngân sách tùy tiện. Thay vào đó, họ phải quản lý chặt chẽ hơn và như vậy sẽ có tác dụng giảm thất thoát, tham nhũng. Về phía người dân, họ sẽ có kênh để giám sát tiền đóng thuế của mình được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào...
Bình luận (0)